Nghề làm bánh tét có ở nhiều nơi trên đất Long An nhưng nổi bật và thường được nhắc đến nhiều nhất là các lò bánh ở Đức Hòa, Thủ Thừa và Tân Trụ.
Quê nhà đã hiện đại hơn, các làng nghề bánh tét cũng chứng kiến sự thay da đổi thịt. Người dân nơi đây một mặt gìn giữ tổ nghề, một mặt không ngừng sáng tạo để món ngon luôn phù hợp với khẩu vị và sở thích đa dạng của người thưởng thức.
Làm mới nhưng phải giữ vị quen
Là một trong những lò bánh lâu đời tại huyện Tân Trụ, lò bánh tét Cô Bé của bà Ngô Thị Ánh Hồng có tuổi đời đã hơn 30 năm. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày một đông, bà Hồng đã đầu tư rất nhiều máy móc để hiện đại hóa việc làm bánh như máy nạo dừa, máy xay lá dứa, máy ép chân không… Nhờ đó tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức.
Cơ sở này sản xuất hơn 10 loại bánh tét với đủ loại nhân thơm ngon như chuối, dừa, đậu, thịt, thập cẩm… Theo các cô dì gói bánh, sự sáng tạo trong cách làm bánh tét không chỉ ở nguyên liệu mà còn ở cách thức gói bánh và phương pháp chế biến, tạo nên những biến thể độc đáo, phong phú về hương vị.
Hầu hết các tỉnh, TP đều có bánh tét, để tạo được hương vị riêng, các nghệ nhân gói bánh ở Long An phải lựa chọn nguyên liệu thật tỉ mỉ. Nếp phải là loại ngon, dẻo thơm, hạt đều, được trồng trên những cánh đồng màu mỡ của Long An. Đậu xanh phải là loại đậu lòng vàng, bùi béo, được đãi sạch vỏ. Thịt heo phải là thịt ba chỉ tươi ngon, có đủ nạc và mỡ với tỉ lệ hài hòa, được ướp gia vị đậm đà. Lá chuối cũng phải là lá chuối xiêm to bản, xanh mướt, không bị rách, được rửa sạch và phơi khô mới tạo nên mùi thơm đặc trưng cho bánh.
Đặc biệt dừa làm bánh được vận chuyển từ Bến Tre nên cả cốt và cơm đều béo ngậy, thơm lừng so với các vùng khác. Màu của bánh hoàn toàn lấy từ các nguyên liệu tự nhiên như gấc, lá dứa, lá cẩm… Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên hương vị khó quên của món bánh dân dã, chinh phục không chỉ khách hàng trong nước mà còn được xuất ngoại.
Bánh tét ba đời bên bờ sông Vàm
Từ lâu khu vực phía sau chợ Vàm Thủ, cập theo sông Vàm Cỏ Tây, xã Bình An, huyện Thủ Thừa đã được gọi là “xóm bánh tét”. Người dân làm bánh tét Vàm Thủ đã xây dựng nên làng nghề truyền thống nổi tiếng gần 40 năm nay.
Bánh tét Vàm Thủ nguyên liệu đều lấy ngay tại địa phương bởi vùng đất Long An nói chung, huyện Thủ Thừa nói riêng có khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp để canh tác lúa, nếp. Bánh được làm thủ công, vừa giữ vị truyền thống vừa phối hợp nhiều loại nguyên liệu mới làm nhân và vỏ để tăng sức hấp dẫn.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Mai (63 tuổi), chủ lò bánh Chín Mai, nghề này được truyền lại từ thời mẹ bà rồi đến bà tiếp tục theo đuổi, các con cháu đều tập tành làm bánh từ nhỏ.
“Người gói bánh ở đây đều đã mấy chục năm trong nghề nên trăm chiếc như một, vừa đều đẹp vừa chắc tay nên khi được nấu chín cắt ra rất đẹp mắt, đảm bảo nhân vỏ hài hòa, vị ngon khác biệt. Dù đem đi xa đến đâu, món bánh dân dã này vẫn tự tin chinh phục được thực khách” - bà Mai vui vẻ nói.
Những chiếc bánh tét tuy dân dã, thô mộc nhưng không thể thiếu được trong đời sống văn hóa và ẩm thực của vùng sông nước Cửu Long, đặc biệt là vào dịp Tết đến, xuân về. Xa quê lâu năm, anh Võ Nhựt Nguyên Duy (Việt kiều Mỹ, quê ở TP Mỹ Tho) tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã được nếm thử bánh tét Long An. Lớn lên dù đi xa, mỗi lần về Việt Nam tôi đều tìm mua bánh để thưởng thức lại hương vị đậm đà hòa quyện giữa vị ngọt của nếp, vị bùi của đậu, vị béo của thịt và hương thơm của lá chuối. Mỗi lần ngửi mùi thơm của bánh tét, tôi lại thấy ấm áp vì đó chính là hương vị đoàn tụ gia đình!”.
Người dân Vàm Thủ dành trọn tình yêu và tâm huyết cho nghề làm bánh tét truyền thống. Họ tự hào về sản phẩm của mình và luôn nỗ lực để gìn giữ và phát triển làng nghề. Bánh tét Vàm Thủ không chỉ là món ăn ngon mà còn là nét đẹp văn hóa của địa phương, là niềm tự hào của người dân nơi đây.