Sáng 28-5, UBND quận 8 (TP.HCM) tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ trái cây "Trên bến, dưới thuyền" lần I-2022 tại tuyến đường Bến Bình Đông.
Bên cạnh những gian hàng trái cây được đem lên từ Bến Tre, Vĩnh Long như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, ổi… để trưng bày và bán cho khách tham quan, những món bánh đặc trưng của người miền Nam đã níu chân không ít du khách.
Một trong những món bánh thu hút sự chú ý của đông đảo người dân cũng như du khách là món bánh ú lá tre quen thuộc.
Chị Hà (trái) cùng các chị em trong khu phố gói bánh ú lá tre tại lễ khai mạc Tuần lễ trái cây. Ảnh: VĂN HÀ. |
Giống như bánh ú của người miền Trung, bánh ú lá tre được làm từ nếp, nhân đỗ xanh đã được luộc và xào lên. Muốn bánh có màu đẹp hơn, người ta thường ngâm với nước cốt lá dứa để lấy màu xanh cho bánh.
Tuy nhiên, nếu như người miền Trung gói bánh ú bằng lá chuối giống bánh tét, bánh ít, bánh rò… thì trong Nam bánh ú được gói từ lá tre. Nói về lý do này, khó ai có thể giải thích bởi đây là văn hoá đã có từ xa xưa và được lưu truyền đến ngày nay.
Có mặt tại sự kiện Tuần lễ trái cây để đem món bánh ú đến với thực khách, chị Lê Thị Ngọc Hà (phường 5, quận 8) chia sẻ: "Bánh ú lá tre là món bánh đặc trưng của người miền Nam. Gia đình tôi đã có 80 năm gắn bó với nghề làm bánh này, từ đời ông cố đến đời tôi đã là đời thứ 4.
Đây là nghề “cha truyền con nối” nên tôi cũng đang cố gắng truyền lại cho con để các con có thể lưu giữ nghề cũng như nhớ đến món bánh truyền thống của cha ông mình".
Con gái chị Hà cũng cũng tham gia gói bánh cùng mẹ sau khi tan học về. Ảnh: VĂN HÀ. |
Cũng theo chị Hà, món bánh ú lá tre còn được gọi là bánh ú nước tro vì được sử dụng nước tro để làm bánh. Bánh thường được làm vào dịp tết Đoan Ngọ (5-5 âm lịch).
"Gia đình tôi thường chỉ làm và bán vào dịp tết Đoan Ngọ, số lượng rất nhiều. Cứ khoảng mùng 2, mùng 3 gia đình sẽ bắt đầu xào nhân. Lá tre được mua và tuyển từ dưới Cần Thơ lên, dù biết trên này vẫn có, nhưng để có lá đẹp thì phải mua từ các tỉnh đem về.
Sau khi đem về lá sẽ được rửa và lau thật khô mới đem đi gói bánh. Bánh được nấu trong ba tiếng đồng hồ và tối mùng 4 đến sáng mùng 5 sẽ bán cho thực khách. Ngày bình thường gia đình cũng sẽ làm bánh để bán nhưng rất ít và tuỳ vào việc có khách đặt làm"- Chị Hà nói thêm.
Cũng là bánh ú lá tre, song gian hàng của chị Võ Thị Trọn (phường 14, quận 8) lại mang đến một hình ảnh khác về món bánh truyền thống.
Các chị em của chị Trọn đang gói bánh ú lá tre (tên khác là bánh lá trạng) có nguồn gốc từ người Hoa. Ảnh: VĂN HÀ. |
Theo đó, dù được gọi là bánh ú lá tre nhưng như những người xung quanh chia sẻ, bánh ú lá tre của chị còn có tên gọi khác là "bánh lá trạng" có nguồn gốc từ người Hoa.
Nói về món bánh truyền thống của gia đình, chị Trọn chia sẻ: "Gia đình tôi có truyền thống làm món bánh này đến nay đã được gần 20 năm. Đến tôi đã là đời thứ ba.
Nếu bánh ú lá tre thông thường được làm từ nhân đỗ xanh được xào lên thì bánh ú lá tre này sẽ làm từ nhân đỗ xanh sống, thịt heo, nấm đông cô, tôm rim và trứng muối.
Nhân bánh gần giống với bánh tét, nhưng so với bánh tét thì bánh ú lá tre có nguồn gốc từ người Hoa sẽ ướp thêm ngũ vị hương giúp bánh thơm hơn".
Bánh ú lá tre (bánh lá trạng) có nguồn gốc từ người Hoa được bày bán tại gian hàng bên cạnh các nguyên liệu của bánh. Ảnh: VĂN HÀ. |
Chị Trọn cũng cho biết, nếu bánh ú lá tre thông thường của người miền Nam chỉ nấu trong ba tiếng thì bánh ú lá tre có nguồn gốc từ người Hoa sẽ được nấu trong bảy tiếng. Bánh cũng sẽ được làm bán vào dịp tết Đoan Ngọ hàng năm.
Có thể nói, những món bánh ấy tuy thân quen đối với mọi người nhưng mỗi khi đến dịp, được thưởng thức một chiếc bánh ú lá tre đâu đó ta lại thấy vị thơm ngọt của xứ sở và thấy yêu biết mấy những giá trị truyền thống của cha ông đã được lưu truyền, gìn giữ đến hôm nay.