Ngày 17-6, theo ông Trần Đình Huệ - PGĐ Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, đơn vị này đã có công văn gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các cơ quan chức năng liên quan báo cáo nhanh về hiện tượng San hô bị tẩy trắng và chết tại vùng biển Côn Đảo do El nino.
Bản đồ khu vực san hô bị tẩy trắng và chết.
Theo BQL Vườn quốc gia Côn Đảo, El nino là hiện tượng nước biển nóng lên bất thường. Từ tháng 5-2016, tại vùng biển Côn Đảo, hiện tượng El nino xảy ra rất mạnh làm cho các tập đoàn San hô tại vùng biển Côn Đảo bị tẩy trắng (bleanching) và chết.
Qua quan trắc, Ban Quản lý VQG Côn Đảo thống kê có tám khu vực chính San hô bị tẩy trắng. Gồm: Khu vực biển Côn Sơn, hòn Tài, hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, hòn Đầm Tre, hòn Tre lớn, Tre nhỏ và Ông Đụng. Bị tẩy trắng và chết nhiều nhất là các loài san hô cành, kế đến là san hô khối, san hô phiến và san hô nấm.
Bước đầu đánh giá, ước lượng tỉ lệ san hô bị tẩy trắng trung bình trên toàn bộ san hô tại Côn Đảo là khoảng 30%-40%. Diện tích san hô tại Côn Đảo bị tẩy trắng và chết trong khoảng 400-500 ha (chiếm ¼ diện tích rạn san hô toàn bộ Côn Đảo).
Từ kết quả này, Ban quản lý VQG Côn Đảo kiến nghị, nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái rạn san hô do bị tẩy trắng và chết tại các khu vực không còn khả năng phục hồi tự nhiên, giảm thiểu suy thoái đa dạng sinh học biển Khu vực Ramsar VQG Côn Đảo, BQL đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đồng ý cho chủ trương để Vườn quốc gia Côn Đảo xây dựng và triển khai dự án ứng dụng công nghệ trồng phục hồi san hô cứng (các loài san hô cành) tại các khu vực bị tẩy trắng và không thể phục hồi tự nhiên.
San hô phiến và san hô khối bị tẩy trắng khu vực Hòn Cau, Đầm Tre.
Các loại San hô bị tẩy trắng khu vực Hòn Cau, Đầm Tre.
San hô cành, san hô phiến, san hô khối, san hô nấm bị tẩy trắng khu vực hòn Tre lớn, Ông Đụng.
San hô dĩa, san hô nấm, san hô cành bị tẩy trắng khu vực hòn bảy cạnh, vịnh Côn Sơn.
Theo BQL Vườn quốc gia Côn Đảo, năm 1998 và năm 2010, do hiện tượng El nino, một số khu vực rạn San hô tại Côn Đảo cũng từng xảy ra hiện tượng bị tẩy trắng và chết không thể phục hồi tự nhiên lại được. Để khắc phục cũng đã phải triển khai trồng phục hồi. |