Theo Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, lúc 11g, ngày 10-11, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế – Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Dự báo, đến 22 giờ ngày 10-11, tâm bão sẽ nằm trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa – Hải Phòng.
Miền Bắc khẩn trương chống bão
Trước diễn biến bão số 14 di chuyển ra phía Bắc, 5g sáng 10-11 Chính phủ đã tổ chức đoàn công tác do thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình chỉ đạo công tác phòng chống bão tại các địa phương này.
Theo thiếu tướng Phạm Hoài Giang - Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - đến sáng nay, có 74 tàu/255 người của Thái Bình 51 tàu/173 người), Ninh Bình (15 tàu/36 người) Thanh Hóa (8 tàu/45 người) hoạt động ven bờ đang vào bờ tránh bão. Toàn bộ tàu thuyền khác đã vào nơi neo đậu.
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang cho biết lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng ứng phó bão đến sáng 10-11 là 471.572 bộ đội và dân quân tự vệ cùng 6.194 phường tiện (3.021 xe ôtô, 172 xe lội nước, 32 xe thông tin đặc chủng, 12 phà PMP, 376 tàu, 2.368 xuồng các loại, 196 phao bè VSN 1500, 17 máy bay).
Ông Giang cho biết, các địa phương báo cáo đến sáng 10-11 đã có 6 người chết (Quảng Nam 2 người Quảng Ngãi 2 người, Thừa Thiên Huế 1 người và Đà Nẵng 1 người), có 3 người bị thương ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế (2 người). Các trường hợp tử vong, bị thương đều do bị ngã, tai nạn trong quá trình phòng chống bão.
Ông Giang cho biết hiện tại trên vùng biển Quảng Ninh đến Đà Nẵng có 10 tàu Hải quân và 2 tàu Cảnh sát biển đang trực chống bão.
Trong sáng 10-11 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đến thăm và kiểm tra việc triển khai phòng chống bão số 14 tại Trung tâm điều hành quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (đặt tại trụ sở Cục cứu hộ, cứu nạn).
Ông Thanh thông báo qua gọi điện kiểm tra tình hình ở Trường Sa và nhà giàn DK 1 được biết không có thiệt hại về người và tài sản trên tàu, trên đảo.
Tại Song Tử Tây dù có gió giật cấp 11 nhưng toàn bộ bộ đội, nhân dân lên bờ trú bão đều an toàn, tàu cá của ngư dân neo ở đảo không bị thiệt hại. Còn tại nhà giàn DK1 toàn bộ người trên các nhà giàn xuống tàu Hải quân. Theo ông Thanh đây cũng là đợt luyện tập thiết thực cho khu vực Trường Sa và DK1.
Ông Thanh yêu cầu chỉ huy, cán bộ chiến sĩ trực ở Trung tâm điều hành quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tuyệt đối không được chủ quan, vẫn phải đề phòng bão đổi hướng và đối phó với mưa lũ.
Hà Tĩnh: Phê bình chủ tịch 5 huyện
Từ ngày 9-11, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban lệnh sơ tán hơn 50 nghìn hộ dân ở những vùng nguy hiểm, đến sáng nay (10-11) đã di dời 13.673 hộ dân với 40.750 nhân khẩu.
Hiện huyện Nghi Xuân tiếp tục di dời gần 3.000 hộ dân ở ven biển đến nơi an toàn, đồng thời lên phương án đối phó với lũ quét ở các xã Xuân Lam, Xuân Lĩnh, Xuân Hồng. Huyện Hương Khê cũng đã triển khai các phương án an toàn cho 140 hồ đập, trong đó 60 hồ đập trong tình trạng mất an toàn và di dời khẩn các hộ dân nằm dọc sông Ngàn Sâu có nguy cơ lũ quét, lũ lớn…
Tuy nhiên, theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện phê bình Chủ tịch UBND các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang do chậm chễ trong công tác sơ tán dân.
Hiện mực nước tại công trình thủy điện Hố Hô đạt 62,8m, đã mở cống xả tràn với lưu lượng 117 m3/s. Nếu xuất hiện mưa lớn, thủy điện này sẽ mở 3 cánh cửa.
Theo TTO