Không khuyến khích, nhưng có thực sự nhắc nhở đến nơi đến chốn?
Quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng nhận định không có đội bóng nào dám khuyến khích cầu thủ của mình thi đấu bạo lực, bởi khuyến khích điều đó là con dao 2 lưỡi.
Đúng là sẽ chẳng có HLV nào dại đến mức nói thẳng với các cầu thủ dưới trướng mình rằng phải ra sân bằng lối đá chặt, chém. Nhưng không khuyến khích không có nghĩa là họ đã nhắc nhở VĐV đến nơi đến chốn.
Ở đây có thể viện dẫn 2 trường hợp hết sức đối lập. Một là sự fair-play của đội U19 Việt Nam và hai là tình trạng bạo lực đến rợn người nơi các cầu thủ đang thi đấu tại V-League.
Các cầu thủ U19 Việt Nam phần lớn xuất thân từ học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG, mà ở đấy cầu thủ được giáo dục rất nghiêm túc về văn hóa ứng xử cả trong lẫn ngoài sân bóng.
HLV Graechen Guillaume nghiêm túc với các cầu thủ trẻ từ chuyên nhặt rác, vứt rác đúng nơi quy định, hành xử phải phép với những người xung quanh ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất, chứ nói gì đến chuyện đá băm bổ với nhau trên sân bóng.
Còn ông chủ của học viện HAGL-Arsenal.JMG là bầu Đức từng có lúc nói thẳng ông mà thấy cầu thủ nào của ông mắc bệnh ngôi sao, đá chặt chém đối phương là ông đuổi ngay, ông sẽ là người đầu tiên trị cầu thủ đó, khỏi cần chờ đến VFF hay Ban kỷ luật.
Đấy là lý do giải thích tại sao ngay cả khi bị đá xấu trong trận chung kết giải U19 Đông Nam Á 2013, U19 Việt Nam vẫn không có thái độ trả đũa, bởi họ đã được dạy rằng trả đũa dưới mọi hình thức đều là điều xấu.
Bây giờ người ta cũng hiểu tại sao bầu Đức kiên quyết từ chối đưa cầu thủ thuộc học viện HAGL-Arsenal.JMG của mình lên đội một HA Gia Lai đá V-League, vì như ông Đức nói, ông sợ cầu thủ của mình hư nếu đá ở đấy. Hư ở chỗ nhiều cầu thủ bây giờ đá theo kiểu chặt, chém đồng nghiệp dễ quá nhưng vẫn không hề ý thức được rằng đấy là điều xấu.
Cơ bản là có khi họ không được nhắc nhở từ nhỏ, không được các HLV giáo dục tốt ngay từ nhỏ, thành ra những lỗi nhỏ khi không được nhắc đến nơi đến chốn dần trở thành lỗi lớn, từ hành vi xấu chơi nhỏ cứ phát triển thành bạo lực, nhưng giới cầu thủ ở V-League vẫn xem đấy là điều bình thường.
Sự vô cảm nguy hiểm
Muốn có cầu thủ tốt, trước hết phải có thầy tốt. Thế nhưng hiện có không ít người làm công tác huấn luyện tỏ ra vô cảm với sự xấu xí của bóng đá.
Không chỉ có bạo lực bên trong sân, còn có những hình ảnh rất xấu xí bên rìa sân. Ví như những gì người ta thấy xung quanh trường hợp chấn thương của Danny David (ĐT Long An) sau pha vào bóng ác liệt của Đinh Văn Ta (V.Ninh Bình).
Trên đường được cáng ra sân, Đinh Văn Ta phải nằm vắt vẻo trên cáng, dù đang gần ngất xỉu, vừa ra đến ngoài, cầu thủ của Gạch lập tức bị các em khiêng cáng ở Ninh Bình hất thẳng xuống mặt cỏ.
Thường đội ngũ khiêng cáng và nhặt bóng đều là các cầu thủ năng khiếu, những chiêu trò đó họ không học từ người lớn, những người thường được họ gọi bằng thì học từ đâu ra? Thế rồi, khi lớn lên, khi chơi bóng chuyên nghiệp, ai dám đảm bảo rằng các cầu thủ năng khiếu này không mang theo sự xấu xí ấy áp dụng vào cách hành xử trên sân bóng của mình?
Hiếm có đội bóng nào, HLV nào xài đến kỷ luật nội bộ khi cầu thủ của họ đá láo, hoặc hành xử không đẹp trên sân, như bầu Đức và HLV Graechen Guillaume của học viện HAGL-Arsenal.JMG sẵn sàng làm, để đảm bảo có thể cho ra lò một sản phẩm được phát triển đúng hướng.
Rồi khi cầu thủ của mình phải nhận án lỷ luật sau hành vi bạo lực, thay vì nhìn nhận đến tác hại mà hành vi ấy mang lại, việc đầu tiên mà các đội bóng chủ quản và các HLV vẫn làm là phản ứng mức án ấy, dù không phải cách phản ứng nào cũng đáng hoan nghênh và có rất nhiều lời, nhiều kiểu phản ứng khiến người ta phải cảm thán thốt lên: “Thầy nào trò nấy!”.