Sáng nay (25-7), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp khẩn với các địa phương để ứng phó với con bão số 4 (bao Sonca).
Tại cuộc họp khẩn này, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết: "Bão số 4 chủ yếu di chuyển nhanh với tốc độ 15-20 km/giờ theo hướng Tây, do đó bão sẽ tiệm cận với bờ sớm hơn dự tính. 7 giờ sáng nay, bão đang cách bờ biển Quảng Bình, Quảng Trị 150 km, cường độ bão cấp 8, giật cấp 10.
Khoảng 16 giờ chiều nay, tâm bão sẽ vào bờ, bão mạnh cấp 7, giật cấp 8-9 đến cấp 10. Trước khi bão vào, các khu vực tâm bão sẽ có gió mạnh vào bờ trước khoảng 3 giờ. Đây là cơn bão số 4 sẽ kèm theo mưa rất lớn.
Chiều nay (25-7), bão số 4 đổ bộ trực tiếp vào Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Ảnh: NHCMF
Ngay từ sáng nay khu vực Bắc Trung bộ đã có mưa và sẽ mưa cấp tập đến tối, lượng mưa 200-250 mm, nguy cơ có lũ cấp 1-2 là rất cao, lũ quét sạt lở đất rất đáng ngại. Khi bão đi sâu vào đất liền, mưa sẽ giảm, khu vực Nghệ An, Thanh Hóa lượng mưa nhỏ hơn 50-100 mm. Các tỉnh Tây Nguyên mưa khoảng 100 mm và sẽ kéo dài mấy ngày”.
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết lượng tàu cá hoạt động trên biển vẫn còn nhiều. Cụ thể ở Hoàng Sa vẫn còn 520 tàu đang hoạt động, bộ đội biên phòng và các địa phương đang ráo riết thông báo cho tàu bè biết.
Cụ thể, Thanh Hóa còn trên 500 tàu, Quảng Trị còn 18 tàu/189 người hoạt động ở Đông Bắc đảo Cồn Cỏ, Nghệ An còn 19 tàu, các địa phương cần huy động tất cả lực lượng để thông báo tàu thuyền vào bờ khẩn trương. Bộ đội biên phòng tiếp tục duy trì bắn pháo sáng cảnh báo cho tàu thuyền.
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, cho hay cơn bão khá mạnh và phức tạp, bão vào trùng với triều cường, nguy cơ xuất hiện lũ rất cao. Các địa phương cần có tinh thần sẵn sàng ứng phó bão cao nhất.
Bộ Quốc phòng đã có chỉ đạo lực lượng Quân khu 4 tổ chức các đoàn, các bộ xuống các địa phương tham gia ứng phó bão. Theo dõi chặt các tàu ở Hoàng Sa, các tàu lưu trú cửa vịnh, các tàu phải thường xuyên liên lạc với lực lượng chức năng để tiến hành cứu trợ. Các lực lượng cứu hộ cần chủ động ứng cứu ngay khi cần thiết, các cơ quan quân sự phải có lực lượng đến địa phương để phòng trường hợp sự cố chia cắt do bão, lũ.
Từ Hà Tĩnh, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, thông tin Hà Tĩnh đã chỉ đạo thông tin liên tục về cơn bão số 4. Hiện nay có trên 6.200 tàu/17.000 lao động đã vào neo đậu an toàn. Các tàu khác chưa vào bờ đã nhận được thông tin cơn bão số 4, đồng thời phát lệnh cấm biển đối với tàu thuyền vươn khơi.
Ở Quảng Bình không còn tàu hoạt động trên vùng biển, các tàu đã vào khu neo đậu tránh trú bão an toàn. Về an toàn hồ đập, các hồ đập có dung tích chứa 60%-80%, mức độ an toàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại mực nước trong tất cả hồ chứa để đảm bảo cắt lũ khi có mưa lớn. Cắt cử cán bộ giám sát tại các điểm xung yếu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường họp trực tuyến với các tỉnh miền Trung về cơn bão số 4. Ảnh: Đ.TRUNG
Từ Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay đã kêu gọi đưa 2.287 tàu thuyền vào trú ẩn an toàn, còn 18 thuyền/189 lao động đã neo đậu ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Hiện tỉnh Quảng Trị có 22.000 ha lúa trong giai đoạn trổ đòng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương mở các cống tiêu thoát nước để đảm bảo an toàn cho lúa, nếu không làm tốt tiêu úng nguy cơ thiệt hại lúa rất cao”.
Chỉ đạo ứng phó bão số 4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết chỉ trong 10 ngày hai cơn bão đổ bộ, bão lại vào vùng rất dốc, rơi vào vụ hè thu, vụ mùa, đúng giai đoạn mẫn cảm với sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị: “Các địa phương không chủ quan, khu vực bão vào là vùng xung yếu, vừa trải qua bão số 2, do đó mưa chỉ cần 100-150 mm là đã gây nguy hiểm rồi. Các địa phương kiên quyết bắt buộc tất cả lao động không ở trên tàu dù tàu đã vào bờ để đảm bảo an toàn cho mọi người. Các hồ xung yếu phải có phương án bảo vệ, kiểm tra, cảnh báo”.