Hình ảnh về những cuộc thi này giờ đây có thể khiến người xem cảm thấy quá đỗi hài hước, nhưng một thời đó là những sân chơi chính thống hiếm hoi để các chị em phụ nữ được thỏa khao khát đọ sắc với nhau.
Từ thập niên 1950 trở về trước, khi định kiến xã hội đối với những cuộc thi Hoa hậu cho phép khoe ra toàn bộ hình thể của thí sinh vẫn còn rất nặng nề, gay gắt, thì ở những cuộc thi Hoa hậu như kiểu “Hoa hậu mắt cá chân” dưới đây, dư luận “nương nhẹ” hơn bởi các thí sinh buộc phải đứng sau một tấm rèm để che đi toàn cơ thể, chỉ được để lộ vùng… quanh mắt cá. Ở một số cuộc thi, thí sinh còn phải đi tất da chân khá dày.
Giám khảo được mời đến thường là một… cảnh sát. Lựa chọn này có lẽ là để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng. Ngài cảnh sát sẽ quan sát từng mắt cá chân để quyết định xem mắt cá chân nào đẹp nhất. Những bức ảnh dưới đây được chụp từ thập niên 1930 tại các cuộc thi “Hoa hậu mắt cá” tổ chức trên khắp nước Anh.
Thuở đó, các cuộc thi Hoa hậu mắt cá thường được tài trợ bởi các các công ty dệt kim. Phần thưởng dành cho Hoa hậu là được tài trợ miễn phí tất chân trong một khoảng thời gian. Bên cạnh những cuộc thi Hoa hậu mắt cá chân, còn có những cuộc thi Hoa hậu cánh tay, bờ vai, cẳng chân…
Điểm chung thường thấy tại các cuộc thi này là những tấm rèm che, nhờ đó, bất cứ phụ nữ nào cũng có thể tham gia cuộc thi một cách tự tin, bất chấp những vấn đề về tuổi tác, hình thể, nhan sắc… Về sau, khi những cuộc thi này trở nên cởi mở hơn, người ta mới loại bỏ tấm rèm đi và để các thí sinh thoải mái xuất hiện trước mặt ban giám khảo.
Những cuộc thi kiểu này diễn ra cho tới tận cuối thập niên 1940, khi quan niệm về các cuộc thi nhan sắc dần trở nên cởi mở, tích cực hơn và các cuộc thi Hoa hậu “toàn diện” giống như những cuộc thi Hoa hậu chúng ta thấy hôm nay bắt đầu được dư luận quan tâm, thích thú hơn.
Những đôi chân của các thí sinh đang “vắt vẻo” trên cánh một chiếc máy bay. Địa điểm tổ chức cuộc thi này có vẻ sang trọng hơn hẳn những cuộc thi đã thấy ở trên. Ảnh chụp năm 1953.
Theo Bích Ngọc (Dân trí)