Ban chấp hành (BCH) VFF nhiệm kỳ VIII hiện có 43 ứng viên sẽ được giới thiệu tranh cử tại đại hội. Trong số này có bốn ứng viên cho ghế chủ tịch, ba ứng viên phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, năm ứng viên phó chủ tịch phụ trách truyền thông, chức danh phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ có duy nhất ông Trần Anh Tú.
VFF có thể tìm người giỏi về kiếm tiền
Điều đáng nói là đương kim phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ Đoàn Nguyên Đức cũng được đề cử từ thành viên CLB Futsal Kim Toàn (Đà Nẵng) vào ghế phụ trách tài chính nhưng không hiểu sao tiểu ban nhân sự VFF không đưa vào danh sách (!?).
Bầu Đức cho biết: “Tôi không biết người ta gạt tôi ra khỏi danh sách đề cử. Tôi không xin, không vận động nhưng lẽ ra khi có đơn vị nào đề cử thì phải tôn trọng cái quyền đó của tổ chức thành viên. Việc đề cử ứng viên là quyền của họ, còn khi bầu bán tôi có trúng, hoặc tôi có rút hay không là quyền của tôi.
Tôi vẫn nói mãi cái chuyện một chức danh mà chỉ có một người đề cử, như vị trí của anh Trần Anh Tú thì anh ta trúng chắc rồi chứ bầu bán làm gì nữa. Đại hội cần tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh chứ không phải chơi kiểu độc nhất vô nhị thì còn ra cái gì. Nếu cần thiết chúng ta vẫn có thể đi thuê người giỏi về kiếm tiền cho VFF. Tôi sẽ đấu tranh chống sự vô lý này tới cùng. Người ta cứ nói chơi đúng luật nhưng không nghĩ đến sự vô lý sẽ không thể tồn tại. VFF chấp nhận chứ xã hội không thể chấp nhận điều này đâu”.
Ông Trần Anh Tú đang ngồi bảy chiếc ghế lớn, bao gồm chủ tịch HĐQT VPF, tổng giám đốc VPF, trưởng ban điều hành giải V-League (cúp quốc gia và hạng nhất), ủy viên thường trực VFF, trưởng ban Futsal, chủ tịch LĐBĐ TP.HCM (HFF), chủ tịch CLB Thái Sơn Nam.
Bầu Đức chủ trì trong một hội nghị ban chấp hành VFF. Ảnh: XUÂN HUY
Cần định hướng nhân sự cho đại hội
Trong hội nghị BCH VFF về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội khóa VIII ngày 16-3, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức phụ trách tài chính-tài trợ có ý kiến mạnh mẽ: “Chúng ta ngồi đây đều vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Nhưng khi tôi nhìn vào danh sách ứng cử viên thấy khập khễnh quá. Phó chủ tịch phụ trách tài chính có mình anh Tú thì bầu ai? Bầu anh Tú chớ ai nữa. Các bạn nên nhớ thế này, anh Tú làm chủ tịch VPF, anh Tú làm tổng giám đốc VPF, anh Tú làm trưởng ba giải, anh Tú làm futsal… quá nhiều. Giờ anh Tú còn làm phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính nữa. Các anh thấy được không, tôi thấy chả được.
Đai hội VFF nhiệm kỳ VIII đang bị dư luận nghi ngờ về những chiêu trò để loại người không cùng êkíp và tìm mọi cách đẩy những người cùng “cạ” cùng chiến tuyến vào. Chính vì thế mà trước nhiệm kỳ VIII dù đang trong công tác chuẩn bị đại hội nhưng dư luận đã dấy lên hiện tượng quyền lợi nhóm và đang được nhen nhóm từ khâu chuẩn bị. Điều mà chính người trong VFF là bầu Đức từng lên tiếng rằng ông lo lắng việc “độc diễn” không có tính cạnh tranh khiến những cái tên cho nhiệm kỳ VIII đang được khoanh vùng lại rất nguy hiểm. |
Có thể tôi nói điều này làm mất lòng anh Tú. Và nếu điều này xảy ra tôi đấu tranh tới cùng, thậm chí không chơi bóng đá nữa. Vô lý quá, sao chơi nữa! Trong khi những người tài giỏi như anh Chóng, anh Thành, anh Trung - HDBank thậm chí làm còn ngon hơn anh Tú. Cho nên tôi xin phép giới thiệu lại và mình cứ đưa vào rồi vận động bỏ phiếu. Phải có tính đối kháng thì đại hội bầu mới chính xác được, ví dụ phụ trách truyền thông có năm ông.
Chúng ta cần có định hướng và giới thiệu người giỏi cho nó công bằng, có sự bình bầu cho chính xác. Còn một bầu một là hư ngay, chắc chắn hư ngay. Cái này cực kỳ nguy hiểm cho khóa tới nếu không làm đúng. Xin lỗi anh Tú vào bóng đá mới có vài năm nay thôi, tôi thấy việc bầu chọn này là độc nhất vô nhị, cuối cùng bầu ai?
Giờ chốt hạ, liệu anh Tú làm nổi không, tôi trả lời làm không nổi vì quá nhiều việc”.
Hậu quả khó lường Bầu Đức nói rằng ông sẽ không để tình trạng thâu tóm quyền lực trong ngôi nhà VFF: “Dù có làm hay không làm bóng đá tôi vẫn nói thẳng ra bằng cái tâm. Tôi không khuyên ai cũng không thích ai, không bênh ai hết. Khóa này cần định hướng cho chính xác nhân sự. Còn bỏ phiếu có cả hội trường, mình đâu có quyền nhưng mình phải định hướng. Nếu giới thiệu đề xuất thì tôi giới thiệu lại, không để mất cân bằng, không công bằng. Ví dụ, ghế truyền thông được rồi, có năm chú đấu thoải mái, giờ có một chú thì đấu với ai?
Tôi thường chọc anh Thắng (Võ Quốc Thắng, nguyên Chủ tịch VPF) kẹt lắm hay sao mà vừa làm chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc, giành hết việc của người ta. Rõ ràng mỗi người nên làm một việc để phát huy khả năng tốt nhất của mình, giảm bớt kiêm nhiệm đi. Ôm quyền lực vào mình thôi chứ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nhưng tôi nói cho nghe, bóng đá chẳng có quyền lực được gì ai hết. Chúng ta làm xong thì hậu quả lường không hết”. |