Chỉ có điều nhà tổ chức Premier League mời các đội để tìm giải pháp tốt nhất và cũng là để tính đến quyền lợi của các đội trong đó bóng không lăn hết mùa thì các CLB sẽ không nhận được tiền bản quyền truyền hình lên đến hàng trăm triệu bảng cho mỗi đội.
Phép tính sơ bộ ở Premier League mùa này có thể mất tới 1,2 tỉ bảng tiền bản quyền truyền hình nếu chín vòng đấu còn lại không được thi đấu. 1,2 tỉ đấy không vào túi nhà tổ chức mà gắn với quyền lợi các đội.
Đưa vấn đề của Premier League ra để thấy cuộc họp với các đội dựa trên quyền lợi của từng đội và những nhà tổ chức muốn tìm ra giải pháp tốt nhất và ít thiệt hại nhất cho các CLB. Và tất nhiên chuyện đá hay không hoặc đá tập trung đều phải dựa vào cơ quan y tế quốc gia và tình hình dịch bệnh ở địa phương.
Trở lại với vấn đề của VPF thì cuộc họp trực tuyến vừa qua chỉ có 13/14 đội nhưng kết quả đưa ra là gì?
VPF họp trực tuyến với các CLB. Ảnh: CTV
Bàn chuyện đá tập trung theo kiểu bỏ phiếu, còn quyền lợi của các CLB thì gần như là yếu tố phụ. Nó khác hẳn với bóng lăn đi với quyền lợi của các CLB dù mỗi CLB là một cổ đông ở VPF. Nói như một quan chức đội bóng là bóng phải lăn, giải phải về đích thì VPF mới nhận được tiền “phí đá giải” mà mỗi CLB phải đóng vào.
Thực tế thì VPF cũng có khó khăn riêng của họ. Một bộ máy gồm giám sát, trọng tài, nhân viên… ăn lương làm nhiệm vụ khi có giải lấy gì để có thu nhập khi bóng không lăn. Chưa kể nhà tài trợ mới ở Hàn Quốc cũng là mối quan hệ làm ăn của ông chủ tịch VPF lần đầu tài trợ V-League mà giải không về đích thì khó ăn, khó nói…
Ở đây vai trò của VFF gần như là đứng ngoài dù người trong cuộc ai cũng hiểu VPF chịu áp lực phần nào từ chính VFF trong việc đá hay không đá hoặc đá tập trung hay đá sân nhà, sân khách.
Dịch COVID-19 không chỉ có bóng đá ngưng trệ mà tất cả ngành nghề, các doanh nghiệp đều bị động. Với góc độ bóng đá thì các CLB cần được hướng dẫn để thoát hiểm nhằm tránh rơi vào khủng hoảng hơn là đặt họ vào tình trạng biểu quyết đá tập trung hay không. Như FIFA hướng các liên đoàn, các CLB cách để giảm quỹ lương, để tồn tại hơn là bày cho họ đá hay không đá. Các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia cũng đang hướng CLB mình cách thoát khủng hoảng hơn là cách đá bóng mùa dịch.
Cá nhân tôi cho rằng VPF vừa chịu sức ép của VFF, vừa chịu sức ép bóng phải lăn thì mới đủ nghĩa vụ với nhà tài trợ. Đó là chưa kể sức ép của bộ phận tham mưu cứ muốn đẩy vào đá và muốn quả bóng trách nhiệm dồn lên tập thể (các đội).
Thế nên họ ngồi lại với các CLB (họp trực tuyến) vấn đề cũng không giải quyết gì hơn ngoài đội này đồng ý phương án đá, đội khác không đồng ý.
Việc làm này vô tình còn tạo ra lằn ranh giữa các đội và dễ bị lập luận đội A thân quan VPF, đội B không thân thì coi chừng.
Thế nên họp 14 đội tham dự giải mà chỉ có 13 là điều rất đáng buồn ở một mùa giải đang đứng trước những giải pháp thời dịch COVID-19.
Cá nhân tôi không ủng hộ chuyện bầu Đức không cho đại diện của CLB mình họp với VPF nhưng khi xem kết quả của phiên họp đấy thì không chỉ tôi mà nhiều lãnh đạo CLB cũng thấy thật lãng phí bởi họp mà chẳng giải quyết được gì.