Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH nêu bảy định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Đáng chú ý, về chế độ chính trị, hiến pháp tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Theo đó, “phải làm rõ cách thức sử dụng quyền lực Nhà nước của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện (cơ quan quyền lực Nhà nước) và cơ chế dân chủ trực tiếp”.
Hiến pháp sửa đổi cũng sẽ xác định rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan trong tổ chức bộ máy nhà nước; đồng thời xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế tăng cường kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phù hợp với thể chế chính trị và thực tiễn Việt Nam.
Cũng theo tờ trình, Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp dự kiến gồm 27 thành viên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu sẽ đảm nhiệm vai trò là chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban này. Các ủy viên có Thường trực Ban Bí thư, phó chủ tịch nước, trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trưởng Ban Dân vận Trung ương, chánh án TAND TC, viện trưởng VKSND TC, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, bộ trưởng các bộ Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư…
Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp dự kiến sẽ trình QH dự thảo sửa đổi hiến pháp (lần thứ nhất) vào kỳ họp cuối năm 2012, sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong khoảng hai tháng (từ tháng 3 đến tháng 4-2013). Dự kiến tháng 10-2013, QH sẽ thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp.
Kiến nghị bổ sung Luật Biểu tình Chiều 3-8, QH thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) mong muốn QH và các cơ quan chức năng sớm đưa Luật Biểu tình vào chương trình làm luật. “Quyền biểu tình đã được hiến pháp quy định nhưng chúng ta lại chưa có luật để thực thi quyền đó” - ông Quốc nhấn mạnh. Ông Quốc nói, không phải tự nhiên mà ngay khi thông qua Hiến pháp 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh về biểu tình. Chính điều này đã huy động được quần chúng nhân dân đứng sau cách mạng, để vượt qua thời khắc khó khăn của lịch sử khi đó. Ông Quốc cũng nhắc đến hiện tượng thời gian gần đây người dân muốn bày tỏ chính kiến của mình một cách chính thức và hợp pháp nhưng vì chưa có luật nên họ không biết quyền và nghĩa vụ của mình thế nào. Ngay cả cơ quan thực thi pháp luật cũng lúng túng không biết “ứng xử” với biểu tình ra sao… Đồng tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng kiến nghị đưa Luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị của năm 2012. Một số đại biểu khác đề xuất QH cần sớm thông qua các Luật Mua sắm công, Đầu tư công, Luật Đô thị… - Trước đó, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đảm nhiệm cương vị phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Các ủy viên hội đồng gồm Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. |
ĐỨC MINH