Bay ngang qua mặt trời mà hát

Dlei Yang theo tiếng Ê Đê của Y Phôn, người nghệ sĩ đặc sắc của Tây Nguyên đương đại, có nghĩa là rừng thần, núi linh, núi thần. Nó là ngọn núi cao nhất quê hương bạn. Núi cao là chỗ thần rừng, thần núi và tất cả những gì cao thiêng nhất “sống”, tụ lại. Rảo bước trên Dlei Yang mới nhận ra đây chính là nơi khởi nguồn của con sông lớn Ea H’leo chảy giữa trái tim Tây Nguyên.

Năm tháng chiến tranh, làng bạn cứ dời mãi, di tản mãi. Nhưng xem lại thì vẫn cứ quanh dưới chân ngọn núi Dlei Yang kia. Thế mới biết vì sao làng bạn cứ luôn mang cái tên Dlei Yang. Nghĩa rằng mấy con suối, khe nước, chiếc lá rớt xuống mà suốt hai ngày qua tôi lội qua là những giọt nước, chiếc lá đầu nguồn. Quê hương bạn là nơi đầu núi, đầu non. Bạn đã uống những giọt nước đó, ăn những chiếc lá đó mà nên người, thành Y Phôn.

Chim phí – loài chim phiêu bạt

Quê bạn thật mênh mông. Hai ngày qua đi, đứng chỗ nào cũng trông thấy núi Dlei Yang. Không còn một chỏm rừng nào cả, dù xứ rừng hội tụ, “Rừng thần”, nên càng thấy nó mênh mông. Cây cà phê đã lấp hết núi rừng xưa, phủ mặt đất. Tôi và bạn đang như gió lang thang. Cứ thế đi qua nhiều dấu tích của suối khe, rừng, rồi những rẫy vườn cà phê, cao su, tiêu của tha nhân. Sao lúc này, giữa thiên nhiên Dlei Yang, bạn không nói gì với tôi về âm nhạc mà cứ kể miệt mài về những hẻm hốc núi, khe vực nước chảy, về mùa mưa, mùa khô xứ sở, về cái gốc cây cổ thụ cháy xám trơ lại trên một sườn đồi, rồi một hai cái cây còn sót xanh trên sườn núi xa xa hơn kia.

 
Xử lý một bản nhạc.

- Hát đi mà, nói đi mà, về âm nhạc ấy, Y Phôn à!

- “Chứ không thấy cả thiên nhiên, cả cao nguyên lúc này đang là một bản giao hưởng miên man à!”, giọng Y Phôn.

Y Phôn bảo tôi sao ngày tết mà lại cứ thích lang thang rừng núi. Tôi rằng tết nhất chỉ là “trò chơi quy ước” của con người cho một thời khắc, nó có nghĩa lý gì đâu với bóng hình con người trong vũ trụ chứa chan.

- “Vậy thì ông như con chim phí rồi!”, Y Phôn nói.

* * * 

Tôi là kẻ đồng bằng phiêu bạt, chợt tạt ngang miền thượng, biết quái gì về loài chim phí ấy. “Chim phí là loài chim phiêu bạt” - lời Y Phôn. Nó là loài chim không bay rợp trời, không thành bầy đàn đông đảo. Con mái có màu xanh lá non, con trống có màu đỏ. Thi thoảng mới gặp năm bảy con chung sống và không sống cố định một cánh rừng nào, tổ của nó không mấy ai từng thấy. Y Phôn nói rằng có một điều chắc chắn rằng chim phí xuất hiện ở đâu thì chỗ đó là cánh rừng đẹp và thuần khiết, an lành. Những cánh rừng xao động, suối ô nhiễm, núi lở, cây đổ, cây cháy không bao giờ thấy loài chim này.

Từ bé thơ, ông cha bạn đã bảo chim phí là “vật linh”, nguồn cội của dòng dõi bạn - dòng họ Ksor của nhóm sắc dân Ê Đê Bih. Vậy thì con chim đó đã vận vào chính bạn, hoặc bạn chính là một hiện thân nào đó của nó rồi. Yàng kia như đã chuyển hóa chim phí thành bạn, hoặc bạn là con người biết hót được “ngôn ngữ” của chim phí. Không trốn tránh đâu được nữa, Y Phôn ạ!

* * *

Bài hát đầu tiên Y Phôn sáng tác là “Lời ru mùa lúa” nhưng chỉ khi viết “Chim phí bay về cội nguồn” bạn mới được thừa nhận là “nhạc sĩ”. Nhưng ở đoàn Ca múa nhạc dân tộc Dak Lak bạn chỉ là kẻ hát lót. Con chim phí thật ngoài trời kia cũng sống lặng lẽ thế mà, ở những cánh rừng khộp Ea H’leo, R’rông Bông, Ea Súp.

Ngày Y Phôn chưa được biết đến, đây đó ở Tây Nguyên có người đã ngang xương bảo mình là tác giả bài “Chim phí bay về cội nguồn”. Ngày đó Y Phôn gắn chặt mình ở Dlei Yang của huyện Ea H’Leo (tỉnh Dak Lak), viết nhạc bằng bản năng, trong tâm linh và tâm thế của một thằng con trai rẫy nương, chứ đâu phải “nhạc sĩ” để mà thiên hạ biết. Đó cũng là bản tân nhạc “Tây Nguyên” nhất đầu tiên về Tây Nguyên, khác hẳn hoàn toàn những bài hát lâu nay gọi là “đại diện” cho Tây Nguyên của những nhạc sĩ lữ khách, chợt đến chợt yêu và cảm Tây Nguyên, hoặc “đóng giả” là Tây Nguyên.

Không phải Y Phôn thì ai mà biết để mà viết ra được rằng: “Chim phí bay ngang bay ngang qua bầu trời/ Chim phí vẫn bay về cội nguồn”. Và càng rõ hơn, sừng sững hơn khi sau đó anh viết tiếp bài “Đi tìm nữ thần mặt trời”. Bài hát này góp phần đưa Tây Nguyên thoát khỏi vị trí “vùng trũng” của âm nhạc hiện đại, thoát khỏi tính miền núi, vùng xa, tỉnh lẻ. “Bầu trời”, “mặt trời”, là hiện thân của xã hội văn hóa mẫu hệ - đối với người Ê Đê bạn mà.

 Y Phôn ôm đàn  hát ở quê nhà, trong căn nhà anh về “làm chồng” ở buôn Dlei Yang bây giờ.

* * *

Dừng lại bên một ngọn núi thấp cũng đã thảm dày rẫy cà phê, Y Phôn chỉ tôi đấy là nơi anh hay lang thang và viết ra những giai điệu: “Một mình lang thang trên đất này/ Một mình qua sông, qua núi đồi/ Theo dấu chân cha ông ngàn đời”. Kẻ lang thang đã là một trạng thái của nghệ sĩ. Và khi anh ta viết tức là hiện thực hóa cái nghệ sĩ lang thang đó. Cái lang thang không phải bắt chước mà được, mà viên thành. Cái lang thang của nghệ sĩ, nhạc sĩ Y Phôn là từ trong hồn cốt của “công dân rừng”, con của rừng. Nó chảy ra từ sự chìm đắm hoang dã, nó lặng, nó động, nó hấp thụ và chuyển hóa rốt ráo, nó đau khổ tận cùng và nó vui vẻ quyết liệt. Nên nó mới vang lên giai điệu: “Tôi như con chim lạc bay trên đồi cao/ Tôi như dòng sông khao khát lời/ Tôi như giọt mưa không có lời”. Bạn phải đủ “thương” hoặc đủ “đau” mới viết được những gì thuộc về cái bên trong của một sắc dân, cộng đồng, xứ sở, một cành cây, một con suối, một con
thú chăng?

Tôi đang đi qua không gian ra xuất hiện những bài hát đặc trưng, đặc quánh hồn núi rừng, hay nhất về Tây Nguyên. Những bài hát đó là từ bạn và không gian đó là nơi nhào nặn ra bạn. Dlei Yang (huyện Ea H’leo), vùng đất đủ sự mát lành của rừng lá rộng thường xanh với đất bazan màu mỡ nhưng cùng lúc cũng đủ sự tàn bạo của nắng nóng và cát cháy rừng khộp - nghĩa rằng nó khắc nghiệt, không hẹp hòi và cũng không “nương tay” với con người.

Mẫu hệ của tôi ơi!

Đi trong nắng gió thật sướng toàn thân nhưng đôi lúc nên nghỉ chân dưới một bóng cây hoặc một cái chòi. Tôi và Y Phôn bước vào căn nhà sàn hoang nhỏ bé trong một rẫy cà phê. Nắng rọi nhiều tia vào các vách gỗ bị thủng, khiến cho cái hoang không ẩm lạnh, cô tịch. Gió và nắng là “khách” của nó. Những khi Y Phôn về với rẫy là lúc ngôi nhà này “có chủ”. Y Phôn đưa tay vừa đi vừa gạt một số mạng nhện to, rồi vớ tay lấy một trái bầu trên giàn bếp lau. “Nhà sàn của mình. Cà phê ngoài kia của gia đình mình”, Y Phôn nói. Với người Ê Đê, những khi làm mùa, cần ở lại rẫy là có những căn nhà như thế này. Người Ê Đê ngày nay giữa rẫy kiếm sống và nơi ở thường không đồng nhất, cách xa nhau.

Y Phôn nói rằng bài hát “Đôi chân trần” ra đời trong rừng, nương, rẫy mà tôi đang ở đây. “Cha đi lượm quả ngọt rừng, cho con ngủ qua đêm/ Cha đi lượm hạt thóc, cho con một bát cơm chiều hạt” (lời trong bài hát trên). “Chim phí bay về cội nguồn” cũng thế, vừa viết về cái sự thật đời mình và cái siêu thực của thế giới mẫu hệ qua hình ảnh của mẹ, của chị và nhất là về đứa em gái hằng ngày lầm lũi lên rẫy.

 Y Phôn trong không gian nhà dài trên rẫy.

Lúc này đây, ngay trên đồi nương hằn dáng hình đứa em gái lam lũ, mất chồng, chất ngất cô độc đó, cộng với phẩm chất hoang dã của thằng nghệ sĩ núi rừng đã khiến Y Phôn thoát ra những câu nhạc đắng hanh thoát mà đầy thương yêu: “Cô gái trở về một mình, về với ngọn núi xa/ …Ánh mắt bay nghiên chiều/…Ngọn nguồn núi, chiếc lá rơi rơi” (“Cô gái trở về một mình”). Thì cũng như “Đôi chân trần” câu chuyện thật về cuộc sống thường nhật của người cha và tâm hồn thằng con nhỏ khi quẩn quanh núi rừng vào thời đoạn gian khó, nhưng cận cảnh câu chuyện của anh này lại là sự bao hàm về bao nhiêu người cha và thằng con Ê Đê khác. Phôn rằng, những lúc nằm trong căn nhà sàn chơi vơi thế này bạn mới thấy mình đang ở “nhà”, đang sống “đúng” chỗ của mình. Vì thế mà nay căn nhà bạn có ở ngoại ô Buôn Ma Thuột chỉ cốt vì cho hai đứa con tiện ăn học, “chúng đã lỡ ăn học ở đó”. Còn bạn, cứ cuối tuần phóng xe hơn trăm cây số để về với Dlei Yang, không gian làng buôn máu thịt.

* * * 

Nhạc của Y Phôn đẹp, khác hoàn toàn bất cứ ai viết về Tây Nguyên. Y Phôn không giả danh hay son phấn lên câu chuyện, đối tượng mình viết. Nghe là biết nhạc “ Y Phôn” và thấy man mác trong đó là hơi thở dân ca truyền thống Ê Đê. Cái đẹp từ cái chân thật, sự thật về những gì bày ra, cùng dòng chảy chuyển động bên trong của đời sống, tâm hồn, vạn vật ở Tây Nguyên. Hồn của bạn ở nương rẫy. Giai đoạn bạn chia xa Đoàn ca múa nhạc dân tộc Dak Lak để về làm rẫy ở Dlei Yang cũng là lúc bạn cho ra đời những bài hát tuyệt vời nhất. Đúng nghĩa bạn là kẻ cuốc rẫy, tay thợ rừng viết nhạc, từ nghĩa đen cho đến chiều nghĩa thăm thẳm của nó. Bàn tay chai lỳ, ngón tay ngắn đủn nhưng sao mà nhạc nó mênh mông, hoang vu đến vậy không biết.

* * *

Giờ thì mình lại ngồi trong căn nhà đúng nghĩa “Nhà mình” của bạn, ở cái làng nằm trên ngọn đồi bên kia của Ủy ban nhân dân xã Dlei Yang. Gọi là “nhà mình” chẳng qua gần 30 năm qua, bạn đã “thuộc về nhà này”. Nàng H’Nháp đã “bắt” bạn về làm chồng thì dĩ nhiên bạn phải là thành viên của căn nhà này. Đàn ông Ê Đê, về lý thuyết là không có nhà và có vợ con là “mất tên”. Như bạn đây, mấy ngày qua tôi chẳng nghe ai trong làng gọi tên bạn, mà là “Ma Ya”. H’Ya là tên đứa con đầu của bạn. “Ma” nghĩa là “cha”, “bố”. Người ta sẽ gọi bạn chết tên “Bố của H’Ya”. Với dân miền xuôi chúng tôi là “lạ”, là “không thể thế được”. Nhưng tôi thấy bạn tự hào về điều độc đáo đó. Vì “đàn ông” phải là kẻ chịu chơi, đứng trên tất cả là khi bạn không sở hữu cái gì, mà thực ra họ là cái quái gì mà phải “nắm quyền”, phải “phụ hệ”. Những cái thứ kia chỉ là hình thức, quy ước, cũng hư vô thôi.

Giọt mưa rơi trên đất

Không còn chỏm rừng nào cả trong vùng Dlei Yang mênh mông rừng nguyên sinh buổi nào. Ngọn núi thiêng trơ trọi trắng đến bạc phơ, như nó chưa từng là núi rừng. Ngồi nghe người già kể về nó tôi tiếc, còn bạn lặng câm. Rồi bạn bảo “Mọi thứ cứ như trong giấc mơ. Cuộc đời không phân biệt được thực và hư nữa”.

Người ta nhìn “bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê” mà cười híp mắt. Còn bạn quá nhạy cảm, vì nhạy cảm nên bạn khổ; nữ thần mặt trời bắt bạn làm nghệ sĩ, nghệ sĩ từ hơi thở đất đai sinh ra chứ không từ thánh đường hay chốn kinh viện hàn lâm. Bạn nói bạn tiếc cho quê hương, dồi dào mà gầy guộc, rôm rả mà chơi vơi. Bạn hay tự khuyên nhủ mình:“ Không ai hát thay chúng ta!”.

“Hết rừng, thứ gì che chở bà con. Con người neo bám vào gì đây. Nền văn hóa Ê Đê, từ lề thói đến tình người, ý nghĩa cuộc sống, thế giới tinh thần, đều từ rừng sinh ra”, bạn ngừng hát để tâm tình. Có dạo lạc bước sang Nam Tây Nguyên - Đà Lạt, bạn mang theo những câu nhạc tinh nguyên viết về Dlei Yang: “Mong cho một lần trời đừng sáng vội/ Để cánh chim rừng nghiêng mình trong đêm khuya/ Mong cho một lần trời đừng tạnh cơn mưa/ Để lá cỏ uốn ngực trong cơn khát”(ca khúc “Cơn khát”). Nay ở rừng thiêng xưa, quê nhà Dlei Yang, bạn rải lời thê thiết: “Rừng lửa nắng cháy đã héo còn ai hay/ Rừng gió xoáy rừng đốt cháy còn ai nhìn thấy/ Rừng vênh veo héo khô từng này/ Rừng không gió mát, (là) rừng không tiếng hát/… Dòng nước lũ cuồn cuộn xoáy vào dòng đời/ Xoáy vào vòm trời/Xoáy căn nhà tranh, mẹ nhìn trời buồn xa xa”(ca khúc “Ngổn ngang buồn”).

Người đồng bằng viết về Tây Nguyên trong tâm thế của “khách du”, giá trị tạo ra mang ý nghĩa khác, cho dù họ có yêu quê hương bạn và tài hoa đến bực nào. Sứ phận của bạn là kẻ gánh nạn tâm hồn. Chịu “đày” đi Phôn, trái tim nghệ sĩ núi lênh đênh, tâm hồn nghệ sĩ đi hoang, hiểu biết của nghệ sĩ lỡ làng.

* * *

Bạn bảo tôi có biết không, rằng “Rừng là một trái tim”, vào buổi chiều tà Dlei Yang im thênh thang sau một ngày nắng gió làm việc miệt mài và tôi quá giang tâm hồn bạn. Thì ra câu hát “Rừng là một trái tim không hận thù” (trong bài “Ngổn ngang buồn” đang được mọi người yêu thích), bắt đầu từ cảm thức sâu lung linh này đây.

 Bạn sừng sững lặng lẽ giữa Tây Nguyên.

 Nghệ thuật là một nỗi đau mà nghệ sĩ là kẻ bị cõi nhân sinh, thế nhân “đày”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm