“Thật quá bất ngờ, VW đang ngày càng trở thành một mối đe dọa lớn cho nền kinh tế Đức so với khủng hoảng nợ của Hy Lạp” – Reuters dẫn lời Giám đốc kinh tế tại ING, ông Carsten Brzeski cho biết.
“Nếu doanh thu của VW lao dốc ở Bắc Mỹ trong vài tháng tới, thì điều này không chỉ tác động tới tập đoàn VW mà còn tác động tới toàn bộ nền kinh tế Đức” – ông nói thêm.
Tuy nhiên, bất chấp khủng hoảng đang vây quanh VW một số chuyên gia vẫn bày tỏ thái độ lạc quan đối với nền kinh tế Đức.
“Tôi không nghĩ ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ bị sụp đổ hoàn toàn” – giám đốc kinh tế Joerg Kraemer của ngân hàng Commerzbank nói. “Sẽ không có một cuộc suy thoái kinh tế nào bởi đây chỉ là khủng hoảng của một công ty riêng lẻ”.
Thủ tướng Đức lái xe của hãng Volkswagen trong một cuộc triển lãm xe của hãng (Ảnh: Reuters)
Hôm 23-9, chính phủ Đức tuyên bố ngành công nghiệp ô tô vẫn là “trụ cột quan trọng” cho nền kinh tế Đức. “Đây là một ngành có tiềm năng và rất thành công ở Đức, và còn tạo ra nhiều việc làm”, một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức nói.
Hiệp hội thương mại BGA của Đức cũng đang cố trấn an dư luận rằng không có dấu hiệu cho thấy khách hàng ở nước ngoài nghi ngờ về chất lượng hay mất niềm tin vào các công ty Đức.
Tuy nhiên, giám đốc điều hành BGA, ông Andre Schwarz thừa nhận rằng vẫn quan ngại đối với các công ty Đức về vụ bê bối gian lận về việc biến báo số liệu kiểm tra khí thải của các dòng xe chạy dầu diesel ở Mỹ vì nó có thể tạo ra hiệu ứng domino cho công việc kinh doanh của công ty, làm xóa mòn thương hiệu “Made in Germany”.
Hôm 23-9, Giám đốc điều hành của VW, ông Martin Winterkorn cũng đã thông báo từ chức và xin nhận trách nhiệm hoàn toàn về vụ bê bối mặc dù ông cho hay ông không làm gì sai.