Tại giải đó, ở vòng bảng (bảng B), U-23 Việt Nam đã thua U-23 Uzbekistan 1-2, sau đó đội trẻ Trung Á này vào chung kết và đánh bại U-23 Nhật ở loạt sút luân lưu sau thời gian thi đấu chính thức hòa 2-2.
Đến với vòng chung kết U-23 châu Á, U-23 Uzbekistan không giữ nguyên thành phần vô địch M-150 Cup khi có sự bổ sung rất nhiều trụ cột trở về.
Nhìn U-23 Uzbekistan đánh bại lần lượt hai đội đương kim vô địch Nhật và á quân Hàn Quốc ở tứ kết lẫn bán kết, giới chuyên môn đều khẳng định đây là đội bóng có lối chơi rất ấn tượng, tiềm ẩn những mảng miếng và chiến thuật rất khó lường. Họ mang dáng dấp của một đội bóng châu Âu nhiều hơn là đại diện của châu Á. Điều rất dễ nhận thấy là cả hai đối thủ sừng sỏ là Nhật và Hàn Quốc mỗi đội đều bị thủng lưới bốn lần cho thấy lối đá thực dụng và sức công phá của Uzbekistan là rất mạnh.
U-23 Uzbekistan với sức công phá mạnh từng sút thủng lưới Nhật và Hàn Quốc mỗi đội bốn bàn. Ảnh: AFC NEWS
Trận đấu mà U-23 Uzbekistan biến đương kim vô địch Nhật thành cựu vô địch ở tứ kết thể hiện vai trò HLV Ravshan Khaydirov rất lớn. HLV này đã áp dụng lối đá hiện đại, săn đối thủ ngay từ hàng phòng ngự của đối phương bằng bài pressing ngay trước vùng cấm của U-23 Nhật. Lối đá khiến đương kim vô địch loạng choạng vì bất ngờ và không thể triển khai bóng từ tuyến dưới dẫn đến việc sớm bị knock out thua trắng ba bàn trong vòng chín phút (từ phút 31 đến 39).
Trước đây, khi tách khỏi khối Liên Xô, lần đầu tiên tham dự Asiad với màu cờ sắc áo riêng là tại Hiroshima 1994 thì U-23 Uzbekistan thể hiện một phong độ rất cao và dễ dàng lên ngôi vô địch. Sau đó thì bóng đá nước này chìm dần xuống vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu vẫn là sự trì trệ trong điều hành.
Đây là một thách thức lớn tiếp theo cho thầy trò HLV Park Hang-seo khi đối đầu với một đối thủ có lối chơi thực dụng và hiện đại như bóng đá châu Âu. Tuy nhiên, ưu thế cho U-23 Việt Nam có nhiều động lực hơn cùng sức mạnh tinh thần của một đội bóng gây nhiều bất ngờ thích thú nhất giải.