Thời gian gần đây, nhiều tác giả phát hiện ảnh của mình bị lấy xài chùa, không hề xin ý kiến. Một số người bức xúc nhưng không biết kêu ai; người thì vì tế nhị, không muốn làm lớn chuyện nên bỏ qua; cũng có người trực tiếp đến gõ cửa các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép ảnh của mình để đòi quyền lợi chính đáng nhưng đã bị từ chối! Hành trình đòi quyền tác giả của họ quả không đơn giản tí nào...
Lấy ảnh xài vô tư!
Mới đây, tác nghiệp tại giải bóng chuyền nữ các đội mạnh toàn quốc diễn ra ở TP biển Vũng Tàu (từ 15 đến 30-11-2008), tác giả Dương Thu (phường 1, thị xã Vĩnh Long, Vĩnh Long) bất ngờ thấy bức ảnh của mình chụp cách đây hai năm tại giải bóng chuyền đội mạnh toàn quốc 2006 được in trên panô quảng cáo cho giải khắp các đường phố Vũng Tàu.
Anh Thu vẫn nhớ tấm ảnh đó là pha tấn công của Namphon Inthuen (số 16 Vĩnh Long) khi đội nữ Truyền hình Vĩnh Long gặp Sông Mã Thanh Hóa ngày 14-10-2006 được đăng trên một tờ báo.
Anh liền gửi đơn khiếu nại đến Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin-Truyền thông Bà Rịa-Vũng Tàu và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đề nghị xem xét việc vi phạm quyền tác giả bức ảnh trên. Sau đó, Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh gặp anh và viện lẽ: “Thấy ảnh đẹp trên mạng rồi tải về in panô quảng cáo cho giải”. Đại diện trung tâm có nhã ý sẽ trả 500 ngàn đồng cho bức ảnh nhưng anh Thu không đồng ý. “Họ hứa sẽ gặp trao đổi lại nhưng tôi chờ mãi vẫn bặt vô âm tín!” - anh Thu nói.
Còn bức ảnh cầu Mỹ Thuận của anh Nguyễn Hòa Bình - Phó Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long lại bị Nhà xuất bản Chính trị quốc gia lấy sử dụng trên sách Vĩnh Long thế và lực mới trong thế kỷ XXI nhưng không hề để tên tác giả và không có một lời xin phép. Đặc biệt, ảnh được sử dụng ngay ở bìa một, bìa bốn quyển sách và làm lôgô trong đĩa. Bất bình trước việc làm tắc trách này, anh Bình liên lạc với nhà xuất bản thì ở đó bảo rằng không biết và đề nghị trả 100 ngàn đồng cho bức ảnh bị “xài chùa”. Anh Bình không đồng ý và sự việc cũng rơi vào quên lãng vì anh Bình không muốn kiện cáo phiền phức!
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển, phường 2, thị xã Vĩnh Long, người có nhiều ảnh đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế, gần đây phát hiện ảnh của mình bị xài vô tội vạ ở nhiều nơi: trên một kênh truyền hình kỹ thuật số của VTC, trong một video clip cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Nha Trang (Khánh Hòa)... Điều đáng nói là anh không hề gửi bức ảnh đó đến những nơi này!
Đi tìm quyền tác giả: Không dễ!
Với những người không muốn kiện cáo phiền phức như anh Hòa Bình thì nơi vi phạm tác quyền cũng “quên luật” rồi cho qua luôn. Nhưng với tác giả Dương Thu, sau lần hứa suông đó, anh thông báo với nơi vi phạm quyền tác giả là sẽ khởi kiện nếu không được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Sau lời tuyên bố đó, mới đây Trung tâm Thể dục thể thao Bà Rịa-Vũng Tàu đã chính thức fax văn bản xuống Vĩnh Long xin lỗi tác giả và gửi liền tay một triệu đồng. “Lấy hình ảnh từ mạng công cộng, chúng tôi không nghĩ là phải xin bản quyền” - Quyền Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Lưu Đức Tâm vô tư trả lời vậy.
Tác giả Huỳnh Phúc Hậu (An Giang) quyết định khởi kiện Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật khi phát hiện bức ảnh Thương mẹ của mình đăng trên trang web cov.org.vn của Cục. Anh đề nghị bồi thường thiệt hại danh dự 10 triệu đồng thì ở đây có vẻ thách thức: “Có bồi thường hay không còn phụ thuộc vào quyết định của tòa”.
Không chỉ bị vi phạm tác quyền, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Vinh Hiển còn bị các người mẫu nhắc khéo chuyện tiền nong vì ảnh của họ được đăng quá nhiều nơi. Anh kể, sau khi một cô người mẫu phát hiện ảnh của mình xuất hiện trong video clip tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Nha Trang, trên điện thoại di động, thậm chí trên mục tìm bạn bốn phương... thì cả gia đình năm người vượt đoạn đường gần 30 cây số từ huyện Bình Minh lên thị xã Vĩnh Long đến nhà anh thắc mắc vì sao ảnh của cô lại được phổ biến rộng đến như vậy.
Còn tấm ảnh cô sinh viên tình nguyện TV mà anh từng vượt qua hàng chục ngàn tấm ảnh đẹp khác đoạt nhiều giải thưởng lớn: giải ba cuộc thi sinh viên tình nguyện, giải nhì cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam... cũng điện thoại nhắc khéo anh khi thấy ảnh mình xuất hiện cả trên kênh truyền hình VTC, cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM, lịch ngành...
Anh Hiển bộc bạch: “Thật ra tôi không hề gửi ảnh đến các nơi đó. Họ tự lấy trên mạng hay một nguồn nào đó mà không hề hỏi xin tác giả hay trả tiền bạc gì cả. Tôi nói với cô ấy hay anh em mình đi kiện. Nhưng nói thì nói thế thôi chứ kiện tụng mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc... mà hành trình trầy trật đó nếu có thắng kiện cũng chẳng khác nào “được vạ má sưng”.
Ông Chu Chí Thành, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam: Hội sẵn sàng bảo vệ quyền lợi hội viên! Chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Nếu hội viên của hội bị vi phạm tác quyền tác phẩm nào, hội viên làm đơn tường trình sự việc đó kèm theo ảnh gốc, phim gốc gửi đến hội. Chúng tôi sẽ lập hội đồng thẩm định xem bức ảnh đó bị vi phạm như thế nào, đồng thời chúng tôi sẽ gửi công văn thông báo đến những đơn vị vi phạm. Hội làm việc trên tinh thần đứng ra làm trung gian để các hội viên (nếu có tranh chấp giữa các hội viên) hoặc hội viên và bên vi phạm tự hòa giải, bồi thường thiệt hại. Trường hợp không hòa giải được, chúng tôi mới tiếp tục gửi công văn đến Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật nhờ can thiệp cũng như gửi đơn khởi kiện đến tòa. QUỲNH TRANG |
Những hành vi xâm phạm quyền tác giả: Công bố, phân phối tác phẩm không được phép của tác giả; sao chép tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả... (Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ) “Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào thì không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Chính phủ.” (Khoản 1 Điều 26 luật Sở hữu trí tuệ) |
NGUYÊN VẸN