Biệt kích Mỹ tại Iraq bắt sống thủ lĩnh IS cấp cao

Tờ New York Times cho biết một đội đặc nhiệm tinh nhuệ của Mỹ đã bắt giữ thành công một thành phần lãnh đạo cấp của của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đội đặc nhiệm này cũng lên kế hoạch bắt giữ và thẩm vấn nhiều phần tử IS cấp cao khác trong những tháng tới. Đây được đánh giá là sự mở đầu cho một giai đoạn mới, mạnh tay hơn của quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Trả lời tờ New York Times, các quan chức quốc phòng Mỹ mô tả vụ bắt giữ lần này là một bước tiến mang ý nghĩa to lớn tại chiến trường Iraq. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra bài toán khó cho Washington khi số lượng tù binh khủng bố sẽ gia tăng trong giai đoạn tới.

Trong thời gian qua, đặc nhiệm Mỹ đã bắt giữ được nhiều chiến binh IS tại Iraq lẫn Syria bằng các chiến dịch tuyệt đối bí mật. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn mới này, Mỹ đứng trước khả năng sẽ tiếp nhận thêm một số lượng rất lớn tù binh khủng bố. Điều này nhiều khả năng sẽ làm sống lại những hình ảnh đen tối trong quá khứ về các phạm nhân ở nhà tù Iraq - Abu Ghraib.

Lực lượng biệt kích Mỹ phối hợp cùng đặc nhiệm Iraq đột kích một nhà tù của IS tại Iraq. (Ảnh: AP)

Đội đặc nhiệm chống IS của Mỹ chỉ mới bắt đầu tác chiến ở Iraq và Syria vài tuần trở lại đây. Theo New York Times, đội đặc nhiệm này gồm hơn 200 biệt kích tinh nhuệ, với phần lớn là các biệt kích Delta thiện chiến hàng đầu quân đội Mỹ. Đây là đội đặc nhiệm số lượng lớn đầu tiên Mỹ cử đến tác chiến trên chiến trường Iraq - Syria kể từ khi rút quân khỏi Iraq cuối năm 2011.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết đội đặc nhiệm này đã thiết lập nhiều nhà an toàn và phối hợp với các lực lượng Iraq lẫn người Kurd để xây dựng mạng lưới tình báo. Trong thời gian qua lực lượng này đã tiến hành nhiều cuộc vây ráp các thủ lĩnh của IS và một số nhóm phiến quân lớn khác.

Từ chối tiết lộ danh tính của thủ lĩnh IS vừa bị bắt giữ, các quan chức Mỹ cho biết đối tượng đang được thẩm vấn ở một cơ sở giam giữ tạm thời tại thành phố Erbil, phía bắc Iraq. Đối tượng cuối cùng sẽ được bàn giao lại cho phía Iraq và người Kurd chứ không bị giam giữ vô thời hạn.

Phía Mỹ cũng không có ý định tái thiết lập một cơ sở giam giữ dài hạn tại Iraq, hay chuyển đối tượng đến nhà tù Guantanamo ở Cuba. Hiện chưa có thông tin tiết lộ đối tượng đã cung cấp bao nhiêu thông tin cho phía tình báo Mỹ. Thời gian hoàn thành thẩm vấn có thể lên đến nhiều tuần hoặc nhiều tháng, theo The New York Times.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã báo cáo vụ bắt giữ cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế chuyên giám sát điều kiện đối xử của các tù nhân. Được biết đã có thành viên của ủy ban này có mặt ở cơ sở Erbil để tiến hành giám sát các tù nhân. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff A. Davis cũng khẳng định Mỹ không có kế hoạch giam giữ các tù nhân dài hạn mà sẽ phối hợp với chính quyền Iraq.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết các biệt kích có nhiệm vụ chính là thu thập các “tài liệu và ổ cứng cùng các dạng thông tin khác, có ý nghĩa sống còn đối với các nỗ lực hiện tại” chống lại IS. Lầu Năm Góc cũng khẳng định đội biệt kích này nhắm đến tăng cường thông tin tình báo là chính, theo The New York Times.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng khẳng định đội biệt kích này sẽ thực hiện các chiến dịch truy lùng khủng bố, chiếm giữ một số cơ sở và giải thoát các tù nhân và con tin mà IS bắt giữ. “Điều này sẽ làm cho IS sợ hãi rằng chúng có thể bị tấn công ở mọi nơi mọi lúc” - ông Carter cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm