Ngày 23-10, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký văn bản khẩn gửi công an tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố về triển khai chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Theo đó, xét đề nghị ngày 19-10 của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh về việc cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp công an tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh bổ sung chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vốn cho vay của các huyện, thị xã, thành phố, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp Công an tỉnh xây dựng kế hoạch vốn cho vay năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2026, trình UBND tỉnh phê duyệt gửi Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Bộ Công an để xem xét, bố trí vốn thực hiện.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cân đối, ưu tiên bố trí bổ sung ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo quy định.
Phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các cơ quan có liên quan trong việc triển khai cho vay, thu hồi nợ.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND cấp xã phối hợp Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện xây dựng kế hoạch vốn năm 2023, giai đoạn 2024 - 2026 và kịp thời triển khai chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng.
Phê duyệt kế hoạch vốn và gửi về Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trước ngày 25-10 để tổng hợp, cân đối bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách theo quy định.
Ngày 17-8, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Trong đó quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ngân hàng để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù…
Đối với vay vốn để đào tạo nghề, mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù.
Cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ…