Bộ này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương để Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm.
Bộ KH&ĐT cho rằng năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tơi 2 lần điều chỉnh giảm.
Cụ thể, tháng 12-2014, dự án điều chỉnh phê duyệt có tổng mức đầu tư là hơn 14.500 tỉ đồng. Đến tháng 4-2016 giảm còn hơn 13.000 tỉ đồng và đến tháng 3-2017, Công ty sắt Thạch Khê đã tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án và tổng mức đầu tư dự án giảm còn hơn gần 12.200 tỉ đồng. Bộ KH&ĐT cho rằng sau hai lần điều chỉnh, dự án vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư.
Đặc biệt hiện nay việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê mới có Tập đoàn Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với khối lượng 2017-2021 là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2022-2027 chưa có cam kết cụ thể. Do vậy, Bộ KH&ĐT đánh giá phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là chưa chắc chắn. Trong khi đó, dự án Formosa với tổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê.
Bên cạnh đó, các vấn đề về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng cũng được Bộ KH&ĐT nhắc đến.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Công ty Sắt Thạch Khê để đánh giá tổng thể và đề xuất phương án xử lý tồn tại về tài chính, đất đai, hoàn thổ của dự án.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, quan điểm của Bộ Công Thương là ủng hộ xây dựng dự án. Những đề xuất trên mới chỉ từ phía Bộ KH&ĐT. Hiện nay, Thủ tướng đang giao cho các bộ ngành nghiên cứu về dự án và chưa có kết luận chính thức.
Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), thành lập ngày 17-5-2007 với 2.400 tỉ đồng vốn điều lệ, gồm 9 cổ đông. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chiếm 30% tổng vốn đóng góp; Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (24%); Tổng Công ty Thép Việt Nam (20%); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (4%); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (5%); Tập đoàn Sông Đà (5%); Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (5%); Công ty TNHH Sản xuất, XNK Bình Minh (4%) và Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long (3%). |