'Bố mẹ đừng đẩy con mình thành gà công nghiệp'

Đó là trải lòng của ông Nguyễn Quốc Cường trong buổi tọa đàm “Sống có trách nhiệm trong giới trẻ hiện nay và vai trò của gia đình” được tổ chức vào chiều nay (22-6) tại hội trường Nhà văn hóa Phụ nữ TP (Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM).

Chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM phối hợp với Nhà văn hóa Phụ nữ TP tổ chức với sự chủ trì của T.S Phạm Thị Thúy, Giảng viên Học viện Hành Chính quốc gia và Th.S, chuyên viên tham vấn tâm lí Nguyễn Ngọc Duy.

Buổi tọa đàm thu hút nhiều bạ trẻ và các bậc phụ huynh đến tham dự. ẢNH: THANH TUYỀN.

Nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề trách nhiệm của giới trẻ, của cả ông bà, cha mẹ được đưa ra thảo luận sôi nổi. Rất đông các bạn trẻ và cả phụ huynh đến dự đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình để hai thế hệ có thể hiểu nhau hơn.

Trước câu hỏi đặt ra là tại sao hiện nay giới trẻ có thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm với chính bản thân, với ngay cả người thân trong gia đình mình, nhiều bạn trẻ đến từ các trường ĐH ở TP.HCM đã đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau.

Bạn Tráng (sinh viên) cho rằng, một phần là do chính sự nuông chiều, hờ hững của cha mẹ khiến nhiều bạn trẻ có tâm thế ỷ lại. “Nhiều bố mẹ không cho con cái đi làm vì sợ con mệt, sợ con gặp phải chuyện này chuyện kia. Có bố mẹ thì nuông chiều con quá mức, chuyện gì cũng lấy tiền ra để giải quyết. Có những người bạn của em chẳng bao giờ sợ chuyện thi cử vì bạn bảo rớt thì có bố mẹ lấy tiền ra lo, thi bằng lái xe cũng lấy tiền ra để mua bằng... Em nghĩ  chính nỗi sợ, nỗi lo của bố mẹ làm hư con của mình. Cứ như vậy thì các bạn không thể ý thức được trách nhiệm với chính cá nhân mình chứ đừng nói đến trách nhiệm với xã hội, với mọi người xung quanh. Hãy cho con có thể tiếp xúc với xã hội để con được cứng cáp hơn”, Tráng bày tỏ.

Nhiều bạn sinh viên đã nói thẳng những suy nghĩ của mình về vai trò của bản thân, của bố mẹ về hai chữ "trách nhiệm". ẢNH: THANH TUYỀN.

Còn bạn Trí thì nói thêm rằng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các bậc bố mẹ mà chính các bạn trẻ phải xem xét lại bản thân mình, coi lại những mối quan hệ xung quanh mình, có kiên định với lập trường của mình hay không hay cứ đua đòi, nghe lời rủ rê của bạn bè...

Về phía phụ huynh, nhiều trải lòng của người làm cha, làm mẹ cũng khiến các bạn trẻ phải nhìn nhận lại mình. Một người mẹ đã bày tỏ rằng, vì chính sự thờ ơ của các con khiến bố mẹ đôi khi thấy trở nên xa cách.

“Thực ra điều mà bố mẹ muốn đơn giản lắm. Đó chỉ là một lời hỏi han khi thấy mẹ ốm thôi chứ không phải cứ kiếm tiền về để nuôi ba mẹ đâu. Nhiều lúc con đi học về, thích thì sà tới ôm mẹ ríu rít, mà có lúc thì chẳng nói năng gì, cũng không thèm ngó nhìn cái mặt mẹ một cái mà lầm lì đi thẳng lên phòng”, một người mẹ chia sẻ.

Tới đây, một sinh viên nữ đã tâm sự: “Nhiều lúc tụi con còn trẻ, mới trưởng thành, mới ra trường chưa có việc làm hay thất tình chẳng hạn... Tụi con đều cần bố mẹ để tâm sự như một người bạn, người anh, người chị của mình chứ không phải với vai trò là bố, là mẹ...”.

Đau đáu với việc hiện nay nhiều bố mẹ chỉ lo kiếm tiền mà quên việc chăm lo cho con cái, ông Nguyễn Quốc Cường gửi gắm: “Bố mẹ đừng chỉ dùng tiền nuôi con mình, hãy nuôi con bằng tình mẫu tử, tình phụ tử. Đừng đẩy bản thân mình và con mình thành con gà công nghiệp... Nhiều bố mẹ chẳng đưa đón con đi học mà trả tiền cho ông xe ôm chở mỗi ngày, riết rồi nó gặp ông xe ôm mới chào, còn ba mẹ thì nó chẳng thèm chào”.

Ông Nguyễn Quốc Cường mong bố mẹ đừng biến con cái và chính mình trở thành những con gà công nghiệp... ẢNH: THANH TUYỀN.

Nhiều khúc mắc đã được các bạn và phụ huynh thẳng thắn trao đổi với nhau để cả hai thế hệ có thể hiểu và xích lại gần nhau hơn nữa. Cả T.S Phạm Thị Thúy và Th.S Nguyễn Ngọc Duy đều cho rằng, bản thân mỗi người, cả con cái và cha mẹ đều phải tự có trách nhiệm với chính mình trước thì mới thấu hiểu được nhau.

“Nếu bố mẹ bảo rằng vì bận làm việc để lo cho con thì hãy làm sao để con cái cảm nhận được những giọt mồ hôi của ba mẹ đang nhỏ xuống là vì con, để con cảm nhận được tình thương vô bờ bến đó chứ đừng để sự bận rộn trở thành khoảng cách. Nếu mình đã đi xa cái mục tiêu ban đầu là làm vì con thì hãy dành thời gian để ngẫm lại xem mình có đi xa quá hay không, có bỏ rơi con mình không”, Th.S Nguyễn Ngọc Duy gửi gắm.

Còn Th.s Phạm Thị Thúy thì chia sẻ rằng, mỗi người hãy tự có trách nhiệm với chính mình để tự kết nối với người khác, với các bạn trẻ thì đó là chìa khóa của sự thành công. Mỗi cá nhân cũng cần biết cân bằng trách nhiệm giữa cá nhân, gia đình và xã hội..., chị trách nhiệm với việc mình làm, hoặc nếu mình làm sai thì cũng mạnh dạn nhận lỗi.

Hãy bắt đầu từ chính mình trước. Hãy yêu thương mình đi đã thì mới tự tin và mạnh mẽ để yêu thương người khác”, T.S Thúy nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm