Bộ trưởng Quốc phòng giải trình quy định phong tướng

“Quân hàm sĩ quan có 12 bậc trong khi toàn quân có tới hơn 6.000 chức danh, hơn 12.000 chức vụ nên chỉ có thể quy định trong luật những gì cơ bản nhất. Và kết quả rà soát, luật hóa lần này đã giảm được 3,1% đầu mối cấp tướng so với quy định hiện hành”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã cho hay như thế khi trình bày với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam sáng 16-4. Theo đó, việc sửa đổi lần này chủ yếu là đưa vào luật các quy định hiện hành vốn ở văn bản dưới luật. Nội dung mô tả chủ yếu về chức vụ cơ bản của sĩ quan (từ chức bộ trưởng cho đến trung đội trưởng); về trần quân hàm tương ứng cho từng chức vụ; về thăng quân hàm và về thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ, phong quân hàm của Chủ tịch nước, Thủ tướng, bộ trưởng Quốc phòng.

Đứng đầu CA - QĐ ở tỉnh nên ngang hàm nhau?

Đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của Bộ Quốc phòng, song đối chiếu với Hiến pháp (HP) 2013 và chỉ đạo định hướng của Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa vẫn chỉ ra một vấn đề cần làm rõ. Cụ thể, so sánh giữa hai dự thảo sửa đổi luật của QĐ với công an (CA) thì thấy chỉ huy quân sự tất cả tỉnh cao nhất chỉ đại tá, trong khi giám đốc CA TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa và Đồng Nai lại thiếu tướng. Một điểm nữa là tư lệnh và chính ủy quân sự TP.HCM thì thiếu tướng, thấp hơn hàm trung tướng của giám đốc CA TP.HCM.

Bộ trưởng Thanh giải thích: Bộ Tư lệnh TP.HCM, nằm trong Quân khu 7, chỉ tương xứng quân hàm thiếu tướng. Còn Hà Nội, trước đây có ba tổ chức quân sự: Quân khu Thủ đô, hai bộ chỉ huy quân sự Hà Nội, Hà Tây. Sau này mở rộng Hà Nội đã nhập ba tổ chức này lại, thành Bộ Tư lệnh thủ đô - giảm được 1.500 cán bộ thường trực nhưng công việc bao quát hơn, hiệu quả hơn và về cấp tổ chức là cao hơn TP.HCM một bậc. Do đó, tư lệnh và chính ủy Hà Nội có quân hàm tới cấp trung tướng.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Ông Thanh cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc nâng trần tướng cho CA sáu tỉnh, thành trên. “Nếu QH cho CA như vậy thì cũng phải xem xét cho bên QĐ. Cùng sinh hoạt thường vụ với nhau, cùng lực lượng vũ trang với nhau mà anh trên, anh dưới khó làm việc” - ông Thanh bày tỏ ý kiến cá nhân của mình đồng thời cho biết thêm: “Quân ủy Trung ương đã quyết định thế rồi” (giữ nguyên trần đại tá - PV).

Ủng hộ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng việc thống nhất cấp hàm giữa hai lực lượng thì CA phải theo QĐ. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng tình, cho rằng ngoài Hà Nội, TP.HCM, giám đốc CA tỉnh, như bên QĐ, chỉ nên cùng hàm đại tá.

Thực tế đây sẽ là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Bởi nếu kéo CA theo QĐ, tức là giữ nguyên quy định hiện hành trần quân hàm đại tá cho CA tỉnh thì sẽ ảnh hưởng tới hàng loạt giám đốc CA đang đeo lon thiếu tướng.

Đặc thù ba hệ thống…

Một vấn đề nữa cần làm rõ là theo dự luật, cùng chức vụ cục trưởng nhưng trong QĐ sẽ có người hàm thiếu tướng, người khác lại trung tướng. Rồi có nơi cục trưởng - chính ủy ngang hàm, trong khi nơi khác chính ủy lại thấp hơn một bậc. Ngoài ra, các đơn vị như Bảo tàng Quân sự VN, Trung tâm Phát thanh - truyền hình QĐ, một số bệnh viện QĐ, BHXH Bộ Quốc phòng... xếp trần quân hàm đến thiếu tướng - ngang với tư lệnh binh chủng, quân đoàn là không hợp lý.

Giải trình lý do, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết trong QĐ có ba hệ thống: (1) Quản lý nhà nước về quốc phòng gồm cơ quan Bộ Quốc phòng, các thứ trưởng, một số đơn vị như Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục II (tình báo), Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Trong các tổng cục này có các cục chuyên môn; (2) Hệ thống thuộc Bộ Tổng tham mưu, có các cục tác chiến, quân lực, quân huấn, tác chiến điện tử...; và (3) Hệ thống thuộc Tổng cục Chính trị, có các cục tổ chức, cán bộ, tuyên huấn...

Trong mô hình ấy, nhiều đơn vị “cục” ở hai hệ thống (2), (3) có vị trí đặc biệt quan trọng, mang tính chỉ đạo toàn quân, do đó người đứng đầu phải cần hàm trung tướng - ngang hàng với tổng cục trưởng ở hệ thống (1).

Về mối tương quan giữa chỉ huy chính trị và chỉ huy quân sự, Bộ trưởng Thanh cho biết một số đơn vị QĐ không nhất thiết chính ủy phải ngang bằng cục trưởng. “Như Cục Quân huấn, chính ủy chỉ thiếu tướng thôi nhưng anh em rất thoải mái, vì chỉ phụ trách công tác Đảng trong cục. Còn cục trưởng phải phụ trách công tác huấn luyện toàn quân nên hàm là trung tướng” - ông ví dụ.

Thiếu tướng QĐ: Còn một nửa chờ tới lượt

Cũng theo giải trình của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, dự luật vẫn còn một số quy định cho phép cấp phó ngang hàng thiếu tướng với cấp trưởng nhưng chỉ với các quân đoàn, binh chủng, quân khu, quân chủng. Lý do là có những đồng chí trước khi lên cấp phó này thì đã trải qua 2-3 chức vụ thấp hơn nhưng có trần quân hàm đại tá. Họ phải có năng lực tốt mới được đưa lên các đơn vị có phạm vi hoạt động toàn quân hoặc khu vực tác chiến rộng, đòi hỏi phải có quân hàm cao hơn mới đủ vị thế làm việc.

“Thực tế, quy định cho cấp phó ngang hàng thiếu tướng đã có từ lâu rồi nhưng tiêu chuẩn, thủ tục đề bạt rất chặt chẽ nên tới nay mới chỉ phong kịch trần cho khoảng một nửa số đồng chí thuộc diện này” - Bộ trưởng Thanh nhấn mạnh.

Sửa Luật Sĩ quan QĐND là vấn đề hệ trọng, cho nên trong buổi họp Thường vụ QH, gần như tất cả lãnh đạo QH cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tham gia ý kiến. Tất cả đều đồng ý để Chính phủ trình dự luật này ra QH kỳ họp tới. Qua đó sẽ quyết định những vấn đề còn ý kiến khác nhau, kể cả việc hàm tướng hay tá cho người đứng đầu CA - QĐ cấp tỉnh.

NGHĨA NHÂN

 

Chỉ đạo của Bộ Chính trị về sửa hai luật liên quan đến CA, QĐ

Việc hoàn thiện hai dự án luật cần chú ý một số vấn đề cụ thể sau:

- Việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải được quy định chặt chẽ trong luật, đúng nhu cầu;

- Nghiên cứu tách lương khỏi quân hàm để việc phong, thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy;

- Quy định hàm cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc; không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong hàm cấp tướng;

- Thống nhất cấp hàm của CA và QĐ ở địa phương (tỉnh và huyện) là tương đương nhau.

Phân quyền Chủ tịch nước, Thủ tướng thế nào?

Hiến Pháp 2013 tiếp tục trao cho Chủ tịch nước quyền bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Thẩm quyền phong quân hàm cấp tướng được chuyển hoàn toàn từ  Thủ tướng sang Chủ tịch nước. Với các bộ, Thủ tướng chỉ có thẩm quyền bổ nhiệm thứ trưởng và tương đương.

Trong khi đó, trong QĐ lại có nhiều chức danh khác, như phó tổng tham mưu trưởng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, người đứng đầu công tác Đảng và quân sự các tổng cục, quân khu, quân chủng, biên phòng, cảnh sát biển. Đây đều là các chức vụ có trần quân hàm trung tướng, thượng tướng. Theo Luật Sĩ quan QĐND và các quy định phân cấp hiện hành, các chức vụ này đều giao Thủ tướng ký bổ, miễn nhiệm, cách chức. Còn các chức vụ thấp hơn, bộ trưởng Quốc phòng toàn quyền quyết định.

Thảo luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết: “Hồi sửa Hiến pháp, đã có kiến nghị chuyển thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ từ quân khu trở lên cho Chủ tịch nước. Như thế Chủ tịch nước mới đúng là thống lĩnh lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, chưa được chấp nhận”. Nay sửa luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng Thủ tướng chỉ nên thực hiện thẩm quyền nhân sự theo Hiến pháp. Còn các chức danh QĐ nêu trên thì chuyển cho bộ trưởng Quốc phòng. Như thế về cơ bản, thẩm quyền với công tác nhân sự, chức vụ, cấp hàm trong QĐ sẽ chỉ thuộc về Chủ tịch nước và bộ trưởng Quốc phòng.

Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Luật Sĩ quan QĐND không theo hướng này mà tiếp tục giữ nguyên quy định hiện hành về thẩm quyền quyết định nhân sự của Thủ tướng, bộ trưởng Quốc phòng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới