Với những tín hiệu mới này, sức sống sẽ trở lại với bóng chuyền TP.HCM? |
Có thể nói tháng 11-2007 là tháng của bóng chuyền TP.HCM khi liên tục có đến ba giải bóng chuyền có sức thu hút lớn. Mở đầu bằng vòng chung kết Giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc trên sân Nhà văn hóa Thanh niên (ngày 2-11). Tiếp đến là Giải bóng chuyền quốc tế Cúp Sting, đây được coi là giải tiền SEA Games với sự tham dự của những vị khách mạnh (từ ngày 4 đến 11-11) và cuối cùng là Giải bóng chuyền học sinh - sinh viên toàn thành (19-11).
Với hàng loạt giải đấu lớn này, ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM - tâm sự: "Khôi phục và phát triển phong trào bóng chuyền TP đúng với tầm vóc và tiềm năng không chỉ là ước muốn của ngành TDTT, của liên đoàn mà còn là đòi hỏi của người hâm mộ. Nhiều năm qua, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa sút của bóng chuyền TP và đã đến lúc không thể để bóng chuyền TP tiếp tục dừng lại".
* Vậy liên đoàn sẽ bắt đầu từ đâu và ra sao khi đội bóng chuyền nữ (Tân Bình) và đội bóng chuyền nam (CATP) rớt hạng, và chỉ còn duy nhất một đội nam (Thép Việt) luôn lận đận ở tốp cuối?
- Điều đó là thách thức với những người điều hành bóng chuyền TP. Tôi cho rằng bóng chuyền thành TP mạnh về tiềm năng và không thiếu những người có tâm huyết, biết cách làm để phát triển phong trào. Vấn đề là làm sao kêu gọi, tập hợp và sử dụng được nguồn tiềm năng đó. Vì vậy, định hướng chiến lược thay đổi về cách điều hành của ban chấp hành liên đoàn lần này là chuyên môn hóa và xã hội hóa.
* Có thể hiểu sự thay đổi này như thế nào?
Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Ảnh: T.Đạm |
- Chuyên môn hóa bắt đầu từ con người. Vai trò tổng thư ký sẽ không đứng "hai chân" mà chỉ tập trung cho liên đoàn. Điều này chúng tôi đã được sự ủng hộ cao của giám đốc Sở TDTT TP.HCM.
Có thể nói đây là một sự đột phá khi không để duy trì tình trạng cán bộ nhà nước ôm đồm luôn cả chuyện liên đoàn, vốn rất không hiệu quả. Rồi phó chủ tịch phụ trách chuyên môn sẽ chỉ tập trung về chuyên môn thay vì phải lo tìm nguồn ngân sách cho hoạt động của mình như lâu nay.
Chỉ tiêu của liên đoàn trong thời gian tới phải xây dựng được hệ thống thi đấu ổn định, đưa đội Thép Việt đạt thành tích cao nhất của bóng chuyền VN, đưa đội nữ Tân Bình và CATP trở lại hạng mạnh, cùng ngành TDTT xây dựng cho được hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ.
Khi chúng tôi bày tỏ sự quyết tâm và thể hiện bằng hành động cụ thể, không ít doanh nghiệp đã góp sức chung tay. Cụ thể vòng chung kết Giải bóng chuyền bãi biển có Tanimex, Giải bóng chuyền quốc tế và học sinh - sinh viên có Sting, đội bóng chuyền nam đã có Thép Việt.
Đặc biệt, gần đây nhất với sự hỗ trợ của Công ty EEC, bóng chuyền TP lại có thêm những đối tác mới mà lớn nhất là Công ty Berjaya. Các doanh nghiệp gắn bó với bóng chuyền TP trước hết vì tấm lòng nhưng cũng là một sự đầu tư cho thương hiệu. Vì vậy, chúng tôi không thể làm sản phẩm của mình (bóng chuyền) kém chất lượng.
TRƯỜNG AN - (Theo Tuổi Trẻ)