Bóng đá Việt loay hoay chuyện mua cầu thủ ngoại

Giới chuyên môn vẫn không thể quên vụ bóng đá Hải Phòng từng mua Denilson về với cái giá cắt cổ chỉ để đá đúng 50 phút. Nói mua Denilson để PR thì không đúng nhưng bảo là mua để có cơ hội chi một số tiền lớn thì ai cũng hiểu.

Giới bóng đá, đặc biệt là các HLV kỳ cựu từng kể những câu chuyện về 1.001 kiểu nhận cầu thủ ngoại giá cao liên quan đến “cò” và người có quyền quyết định nhận ai, bỏ ai. Điển hình, HLV Lê Thụy Hải từng thẳng thắn: “Tôi biết làm bóng đá chuyên nghiệp, nhiều ông lãnh đạo đội bóng không có chuyên môn nhưng rất thích mua bán cầu thủ, vì có mua là có tiền lót tay rất đậm từ “cò”. Chính vì hiểu điều đó nên khi làm các đội chuyên nghiệp, tôi gần như không nhúng tay vào chuyện mua bán mà chỉ thẩm định chất lượng cầu thủ rồi báo với “cấp trên” rằng đội mình cần những cầu thủ có những tiêu chuẩn thế này… Qua đó, cầu thủ ngoại các anh muốn mua thì thấy có thể đáp ứng x, y, z…, việc mua bán giờ là của các anh!”.

Lâu lắm rồi bóng đá Việt Nam không có một hợp đồng chất lượng và “đúng giá” kiểu Leandro của Hải Phòng, người được gọi là “King of Lạch Tray”. Ảnh: XUÂN HUY

Ông Hải cũng không giấu chuyện hồi ông làm ở Thanh Hóa, một “cò” cầu thủ vốn từng là một cây viết thể thao dẫn ngoại binh đến thử việc rồi năn nỉ ông đánh giá tốt về cầu thủ này để lãnh đạo Thanh Hóa mua và hứa hẹn sẽ không quên ơn ông. Tuy nhiên, ông Hải trả lời thẳng: “Bố không thể nói tốt khi “trình” của cầu thủ đấy kém quá. Bố còn uy tín, còn trách nhiệm của bố nữa, con muốn “bán” cầu thủ kiểu đấy thì tìm các đội khác, bố không thể làm trái với chuyên môn của mình được”.

Tất nhiên, chuyện của ông Hải chỉ là một phần rất nhỏ trong thị trường cầu thủ ngoại hiện nay và cũng không phải đội bóng chuyên nghiệp nào cũng mua cầu thủ ngoại giá cao mà thông qua ý kiến HLV trưởng. Nhiều đội bóng, HLV trưởng chỉ biết nhận cầu thủ và thực hiện theo “thực đơn” mình có, còn chuyện “đi chợ” là chuyện to nhỏ của “cấp trên”, của những ông chủ tịch CLB hay trưởng đoàn có quyền sinh quyền sát.

Đầu mùa bóng, khi CLB Sài Gòn chuyển giao cho êkíp lãnh đạo mới thì bộ phận tiếp quản phát hiện có hai cầu thủ Brazil được ký vội trước đó không lâu với cái giá cao ngất ngưởng cùng với tiền lương cũng thuộc loại khó chấp nhận. Lập tức, ban huấn luyện mới thanh lọc và đòi thanh lý hợp đồng thì mới lòi ra hàng loạt phần rơi rớt từ giá trên giấy tờ đến phần thực lãnh của hai cầu thủ trên.

Hay như CLB Cần Thơ trước đây khi chơi ở chuyên nghiệp thì giá cầu thủ ngoại được đưa về sân Cần Thơ luôn là giá trên trời nhưng chất lượng thì thua xa nhiều CLB khác. Kết quả là khi đội bóng xuống hạng rồi thì có nhiều khoản nợ chồng chất, trong đó phần nặng nề nhất vẫn là mua và trả lương cầu thủ.

Từ những chuyện trên, nhiều người lại lo lắng cho CLB TP.HCM khi kiểm chứng sơ chất lượng hai cầu thủ bạc tỉ mang từ Costa Rica về. Hai cầu thủ cao ngất ngưởng về giá trị hợp đồng, chuyển nhượng đến lương bổng… nhưng nói như HLV Chu Đình Nghiêm của Hà Nội thì sau khi xem băng hình hai cầu thủ trên, ông quyết định để hai trung vệ trẻ Hà Nội bắt chết và kết quả là phần thắng thuộc về các trung vệ trẻ Hà Nội.

Chuyện mua cầu thủ ngoại ở bóng đá Việt Nam (VN) giờ là thị trường béo bở, bởi nhiều khi nó không được định giá bằng chuyên môn cầu thủ mà từ những cái chấm, phẩy của “người có quyền mua” với “cò”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm