Có mặt chưa đầy năm ở Việt Nam, ông thầy người Nhật đã kịp thể hiện mình ấn tượng sau lần dẫn dắt Olympic Việt Nam vào vòng 16 đội tại Asiad 17 và tuyển quốc gia vào bán kết AFF Cup.
Bản thu hoạch lớn nhất của ông Miura là cách xây dựng các đội tuyển chuyên nghiệp và khát khao chơi bóng, nỗ lực cả trên sân tập lẫn ở từng trận đấu. Học trò của ông Miura không có tư tưởng công thần bởi tất cả đều được đối xử như nhau, công bằng và sòng phẳng.
Ai cũng thấy sự lột xác của đội tuyển dưới thời của HLV Miura nhưng để đi đến thành công trong năm 2015 với ba sân chơi khác nhau không phải dễ dàng.
Đầu tiên, HLV Miura vào cuối tháng 3 sẽ phải dẫn dắt các cầu thủ trẻ vượt qua vòng loại U-23 châu Á 2016 (vòng loại thi đấu năm 2015 với thành phần U-22) do chính ông đặt ra chỉ tiêu. Ông đang nhắm đến suất thứ hai, sau Nhật nên buộc phải thắng chủ nhà Malaysia và Macau rồi hy vọng trở thành 5/10 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.
HLV Miura được người hâm mộ tin tưởng và xem như là chìa khóa giúp bóng đá Việt Nam thực hiện giấc mơ HCV SEA Games. Ảnh: CTV
Cũng cần biết là Nhật rất mạnh khi vừa đá giao hữu thắng Singapore 8-1 và năm ngoái từng ba lần dạy cho các cầu thủ trẻ U-19 Việt Nam nhiều bài học quý. Thầy trò ông Miura có thể thỏa mãn vượt qua vòng loại nhưng sẽ không có nhiều cửa đi tiếp ở vòng hai giống như các đồng nghiệp Olympic, U-19 mới đây đều dừng bước khi đã chạm đến ngưỡng.
Thứ đến, ông Miura sẽ đưa quân tham gia vòng loại World Cup 2018 luôn mong muốn học trò đá sao coi được ở sân chơi lớn nhưng thói quen chơi cho hết trách nhiệm của họ chưa dễ từ bỏ. Các tuyển thủ quốc gia đều chưa cho thấy sự đột biến ở sân chơi V-League mà dưới mắt Miura thì họ rất lười di chuyển.
Thế nên quan trọng nhất trong năm vẫn là giải đấu SEA Games 28 tổ chức vào cuối tháng 5 mà Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng giao chỉ tiêu cho thầy trò Miura vào chung kết và phấn đấu đoạt ngôi vô địch sau nửa thế kỷ chờ đợi. Điều này có nghĩa SEA Games sắp tới ở Singapore không phải là nơi… thử nghiệm cho kỳ tiếp theo, dù ban đầu VFF từng có ý tưởng chỉ dùng lứa cầu thủ trẻ của bầu Đức có tăng cường đi chơi hội.
Trong khi đó, chủ tịch VFF luôn tuyên bố đặt trọn niềm tin vào ông Miura và không chấm dứt hợp đồng ở bất kỳ hoàn cảnh nào nhưng bản thân người trong cuộc vẫn hình dung ra sức ép rất lớn từ nhiều phía. Nói vô địch SEA Games thì dễ, sau niềm tin ở vài lần các cầu thủ U-19 Việt Nam nổi đình nổi đám tại các giải đấu Đông Nam Á, châu Á hoặc giao hữu. Thêm chút may mắn cho ông Miura khi có rất nhiều cầu thủ trẻ đang chơi V-League nhưng khi đặt vào thế “chấp tuổi” các đối thủ, họ sẽ rất khó chơi. Hơn nữa, các cầu thủ trẻ Việt Nam tạo ra sự trỗi dậy không có nghĩa là đối phương giẫm chân tại chỗ, đặc biệt Thái Lan và Myanmar có bước đột phá không chỉ giới hạn ở Đông Nam Á.
HLV Miura đang rất khát khao một danh hiệu để ghi điểm với VFF và dư luận cùng khả năng tái ký hợp đồng mà chỉ có SEA Games là vừa sức nhất với các học trò của ông. Thành tích cụ thể ở giải đấu này mới là điểm tựa vững chắc nhất cho ông Miura, hơn cả mọi sự bảo chứng bằng lời nói.
Thầy trò HLV Miura hội ngộ Chiều 24-2, HLV Miura và các trợ lý Lê Tuấn Long (Hà Nội), Trần Công Minh (Đồng Tháp), Nguyễn Quốc Tuấn (Gia Lai) đã gặp gỡ các cầu thủ Olympic trên sân tập của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VFF. Sau 10 ngày huấn luyện, đội có trận giao hữu với Hà Nội T&T và ngày 9-3 đá giao hữu với U-23 Indonesia trên sân Mỹ Đình. Sau đó, các cầu thủ sẽ tập huấn tại TP.HCM, Bình Dương và chơi trận giao hữu thứ hai với Uzbekistan vào ngày 14-3 trước khi sang Thái Lan làm khách thầy trò Kiatisak. Tại vòng loại U-22 châu Á, các học trò Miura lần lượt gặp chủ nhà Malaysia (27-3), Nhật Bản (29-3) và Macau (31-3). |