Nếu không có sự thay đổi mang tính đột biến thì bóng đá Việt Nam cứ mãi giẫm chân tại chỗ và thụt lùi.
Liệu tân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú có thay đổi được phần chất của các CLB chuyên nghiệp Việt Nam.
Bóng đá thế giới và ngay cả khu vực Đông Nam Á đã có những thay đổi cực mạnh và tích cực để phù hợp với nhu cầu phát triển ngày một cao của bóng đá chuyên nghiệp. Đó là lực lượng có tri thức, kiến thức được đi học các lớp quản trị bóng chuyên nghiệp ở nước ngoài về phụng sự. Lực lượng HLV đào tạo trẻ thì đúng chuyên, tức được đào tạo bài bản.
Còn ta thì thiếu điều đó như chính bài tham luận của Phó Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn phát biểu tại hội thảo “Vì tương lai bóng đá Việt”. Trong khi đó hệ thống các sân bãi của các đội chuyên nghiệp Việt Nam (V- League và hạng nhất) lại của Nhà nước. Điều này đã là điểm trừ trong mắt LĐBĐ châu Á (AFC) trong việc cấp suất cho CLB Việt Nam tham dự các cúp châu Á.
Tân vô địch V-League 2017 không đáp ứng được các tiêu chuẩn AFC đành bị loại khỏi các giải châu Á.
Các công ty cổ phần bóng đá của các CLB hầu hết là hình thức đối phó để được khoác lên mình cái “vỏ chuyên nghiệp”. AFC thì có những quy chuẩn chặt chẽ riêng để họ đưa ra những quyết định cho suất dự các cúp châu Á chứ không bằng những bản báo cáo suông.
Một nghịch lý khác là các CLB bóng đá chuyên nghiệp có nguồn thu nhập cực cao từ bản quyền truyền hình để nuôi sống, phát triển và vận hành, còn Việt Nam thì ngược lại. Các CLB phải “trả tiền” để được trực tiếp (V-League ở các năm trước). Còn các giải đấu khác, nhà tổ chức, đơn vị tổ chức phải có những khoản tiền lớn cho nhà đài thì nhà đài mới trực tiếp các trận đấu.
Các đội tuyển trẻ Việt Nam đang lên, còn đội tuyển quốc gia thì đang xuống.
Cũng trong buổi hội thảo trên, nguyên Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự thừa nhận rằng do cái đặc thù, cái cơ chế của xã hội, thể thao, bóng đá nó không thể tách rời yếu tố quản lý nhà nước…
Nếu như thế thì mọi người có thể đồng cảm cho thể thao chuyên nghiệp Việt Nam nhưng rồi những thứ ràng buộc này vô hình trung nó sẽ cô lập bóng đá Việt Nam.
Chẳng hạn như Quảng Nam không được AFC cho dự các cúp châu Á mà ở đó có nhiều cầu thủ nội giỏi, trẻ thì họ đã bị tước mất cơ hội ra sân chơi châu lục mài giũa chuyên môn, bản lĩnh…
Không nói đâu xa, năm ngoái đây thôi Philippines mới rục rịch làm bóng đá chuyên nghiệp. Lập tức các CLB của họ đá cực hay tại AFC Cup. Đội Negros Seres đánh bại CLB mạnh Hà Nội của Việt Nam.
Hình ảnh CLB Negros Seres tham gia đấu trường AFC Cup với trang phục thi đấu đẹp, có tính chuyên nghiệp cho thấy bóng đá Philippines đang trỗi dậy. Cuối mùa giải 2017, Philippines tiếp tục chuẩn mực hóa, rà soát để có con số năm CLB đáp ứng được chuẩn của AFC tham dự không chỉ AFC Cup mà còn AFC Champions League. Mà giải chuyên nghiệp Philippines chỉ có tám đội mà thôi.
Về lực lượng ở VFF hay VPF mà chẳng có người giỏi quản trị bóng đá chuyên nghiệp thì thay ông nào lên ngồi cũng thế. Bầu Thắng ra đi, bầu Tú vào chăng? Nếu không có những kiến thức quản trị bóng đá chuyên nghiệp được học hỏi trường lớp đàng hoàng thì cũng chẳng thay đổi được gì.