‘Brad Pitt, hắn lại diễn kiểu vai đó lần nữa!’

“Brad Pitt, hắn lại diễn kiểu vai đó lần nữa!” - người ta kháo nhau như vậy khi xem qua trailer của Fury (tựa Việt: Cuồng nộ, chiếu tại Việt Nam từ 31-10), bộ phim mới nhất của nam tài tử sắp bước qua tuổi 52. Nó gợi nhớ đến lần đầu anh tham gia một phim về Chiến tranh thế giới thứ hai - Inglorious Basterds năm 2009, vai một sĩ quan dẫn dắt nhóm lính thâm nhập sâu vào lòng Đức quốc xã làm nhiệm vụ bí mật.

Tài tình diễn xuất giữa đỉnh điểm đau đớn và lạnh lùng

Lặp lại chính mình luôn là nỗi ám ảnh sợ hãi đối với những ai trót dấn thân vào con đường sáng tạo khắc họa những chân dung bằng xương bằng thịt trên màn ảnh. Vậy nên cái nhếch mép bỡn cợt của chàng chỉ huy biệt đội ám sát Hitler trong “thương vụ giết chóc” của bộ phim biếm giễu bạo lực chiến tranh ngày nào đã được thay bằng gương mặt khắc khổ, đầy sẹo và ẩn giấu điều gì đó bên trong vẻ lạnh lùng. Vai diễn của Pitt trong Fury là viên trung sĩ Don “Wardaddy” Collier, người chỉ huy một tiểu đội xe tăng có nhiệm vụ đánh chiếm một thị trấn, bảo vệ nó trước một trung đoàn sĩ quan SS của phát xít Đức đang chuẩn bị ập tới.

Diễn xuất của Pitt có thể nói đạt đến độ tinh tế cao nhất, trong cách diễn đạt nỗi đau đớn của nhân vật bị nén lại, dành chỗ cho lạnh lùng đến vô cảm nhằm giữ các hành động và mệnh lệnh được chính xác. Bởi chung quy, Collier hiểu rằng ở giữa bãi tha ma chiến trường bốc mùi tử khí, chẳng còn đúng hoặc sai, chỉ còn sự giết chóc để giữ lấy mạng sống. Giữa những đồng đội mà thế giới tinh thần của họ đã bị chiến tranh làm biến dạng, người lảm nhảm trong cơn nát rượu giữa hai cuộc đấu, người chìm sâu vào những lời kinh cầu, Collier nhìn và yêu lấy sự tinh khôi còn chưa bị vẩn đục ở anh chàng tân binh Norman Elison (Logan Lerman đóng), người sinh ra để học làm thư ký, bất ngờ được bổ sung vào nhóm của anh cho cuộc tử chiến sắp tới.

Lối diễn xuất vừa duyên dáng vừa chuyên nghiệp, toát lên thần thái của một người lính kiên cường trong chiến tranh của Brad Pitt được xem là mang lại một nửa sự thành công của phim Fury. Ảnh: CGV cung cấp

Collier đồng thời đối diện với nỗi đau đớn phải làm tha hóa Norman để giúp anh giữ được mạng sống của mình và của đồng đội, dù có phải bắn chết một đứa bé du kích hay xả súng vào những xác người để đảm bảo kẻ thù đã chết. Trong một cảnh lắng lại giữa chuỗi hành động bạo lực nghẹt thở và liên tục, Collier dẫn Norman vào căn phòng khách treo hình ảnh Hitler, nơi những viên sĩ quan và người đàn bà của họ đã bắn súng vào đầu tự vẫn, anh nói: “Lý tưởng thì hòa bình nhưng lịch sử lại bạo lực”.

Những cuộc chiến quen thuộc của gia đình nhà Jolie-Pitt

Với Pitt, giữa hai cột mốc Fury Inglorious Basterds, anh còn có thêm một dấu ấn nữa trong bộ phim liên quan tới cuộc chiến này - The Tree of Life (Cây đời) của đạo diễn Terrence Malick, đề cử Oscar phim xuất sắc nhất năm 2011. Lần này, chiến tranh chỉ còn lại dư vang của nó, đè nặng lên cuộc sống thần tiên nơi miền ngoại ô của một gia đình cựu binh. Pitt vào vai người đàn ông trở về từ chiến trường, đã không thể ngăn chặn nỗi thất vọng vì cuộc đời, yêu thương đứa con trai nhỏ một cách mù quáng và trút lên nó những cơn trừng phạt bắt nguồn từ cơn giận dữ.

Có vẻ như chiến tranh chưa bao giờ là một đề tài xa lạ trong gia đình nhà Jolie-Pitt với sáu đứa trẻ và cha mẹ là những nhân vật quyền lực nhất ở Hollywood. Người ta thấy họ thường chi hàng triệu USD giúp đỡ những người tị nạn vì chiến tranh, ủng hộ quỹ hành động vì trẻ em toàn cầu, tổ chức Bác sĩ không biên giới… Ngay bản thân Brad Pitt - trong tư cách nhà sản xuất, chủ hãng phim Plan B - cũng từng làm nhiều phim về các cuộc xung đột, áp bức hay thảm họa toàn cầu, mà nổi bật nhất là 12 Years a Slave (Oscar phim xuất sắc nhất 2013) và bom tấn World War Z. Pitt cũng là người được bà xã Angelina Jolie “xin quyền trợ giúp” khi viết kịch bản và đạo diễn cho bộ phim đầu tay của cô In the Land of Blood and Honey, xoay quanh một mối tình trong cuộc nội chiến ở Bosnia. Thế nên, trong cách định lượng quyền lực của cặp Jolie-Pitt, các bảng xếp hạng không thể không xét đến các yếu tố ảnh hưởng của họ trong cả hoạt động xã hội lẫn nghệ thuật.

San phẳng lương tri và phẩm giá con người

Đặt trong bối cảnh quân đồng minh tiến sâu vào nước Đức trong những ngày cuối tháng 4-1945, Fury gần như là một cận cảnh mà trong đó cuộc thế chiến lớn nhất thế kỷ 20 của nhân loại bỗng lóe lên thứ ánh sáng chói lói và man rợ trước khi đưa tất cả vào trong điêu tàn chung cuộc. Cuộc chiến ngay trên đất của kẻ thù - đang quẫy đạp lần cuối bằng cách ép cả phụ nữ, người già và trẻ em cầm súng - trở thành cơn ác mộng phi thực, nơi bạo lực giết chóc đã không chỉ vùi xương thịt trong những bãi chôn tập thể được đào lên vội vàng mà còn san phẳng toàn bộ lương tri, đạo đức và phẩm giá con người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới