Dưới đây là góc nhìn của luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh (TP.HCM) về sự việc trên:
Trên thế giới thì thu nhập của cầu thủ bóng đá không chỉ từ lương, thưởng mà còn từ hợp đồng quảng cáo. Nhưng với cầu thủ bóng đá Việt Nam thì thu nhập từ hợp đồng quảng cáo rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là sức hút từ ngôi sao bóng đá Việt Nam chưa cao do thành tích đội tuyển cũng như những scandal trong giải đấu chuyên nghiệp V-League.
Tuy nhiên, gần đây, sau thành công trong màu áo U-23 Việt Nam tại giải U-23 châu Á 2018 thì một số cầu thủ trẻ tạo ra sức hút rất lớn. Các trang mạng xã hội cá nhân của các cầu thủ có lượt theo dõi tăng vọt, nhất là thủ môn Bùi Tiến Dũng. Ngay lập tức công ty truyền thông đã khai thác hình ảnh và sử dụng trang cá nhân của thủ môn Bùi Tiến Dũng với một bảng báo giá cao nhất 2.500 USD. Sau đó, CLB FLC Thanh Hóa đã lập tức lên tiếng yêu cầu tất cả cầu thủ của CLB FLC Thanh Hóa chỉ được cấp quyền khai thác hình ảnh cho những đối tác có được sự đồng ý bằng văn bản của CLB.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng sau trận chung kết giữa U-23 Việt Nam và U-23 Uzbekistan.
Vì sao thủ môn Bùi Tiến Dũng không được thực hiện hợp đồng quảng cáo với tư cách cá nhân khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của CLB FLC Thanh Hóa. Điều này chắc chắn nằm trong điều khoản thỏa thuận giữa Dũng với CLB được ký kết trong hợp đồng lao động hoặc phụ lục hợp đồng.
Với kinh nghiệm đã từng tư vấn, đại diện cho một số cầu thủ tranh chấp hợp đồng với CLB thì tôi luôn thấy mẫu số chung các nội dung của phụ lục hợp đồng lao động giữa cầu thủ và CLB bóng đá về trách nhiệm của cầu thủ liên quan đến quảng cáo, quảng bá thương hiệu đều có ràng buộc kiểu như “Tuân thủ và chấp hành các yêu cầu về quảng cáo, tiếp thị theo chỉ dẫn của CLB. Cầu thủ có nghĩa vụ thực hiện các công việc liên quan đến hợp đồng tài trợ và các hoạt động xã hội khác vì lợi ích của CLB; phải mặc đúng quần áo được tài trợ của CLB trong tập luyện và thi đấu. Cầu thủ chỉ được phép thực hiện các hợp đồng quảng cáo với tư cách cá nhân khi có văn bản đồng ý do đại diện có thẩm quyền của CLB ký”.
Như vậy, với những ràng buộc như trên thì cầu thủ hay bất kỳ cá nhân, tổ chức đại diện cho cầu thủ không thể tự ý thực hiện các hợp đồng quảng cáo khi chưa có sự đồng ý của CLB. Đây là sự ràng buộc của CLB đối với cầu thủ liên quan đến hợp đồng quảng cáo cá nhân. Dũng và nhiều cầu thủ bóng đá Việt Nam hoàn toàn có cơ hội kiếm tiền, tăng thêm thu nhập của mình qua các hợp đồng quảng cáo nhưng rõ ràng phải tuân theo thỏa thuận mà mình đã ký kết trước đó.
Đây cũng là bài học cho nhiều cầu thủ khi đàm phán, thương lượng với CLB thì ngoài việc quan tâm đến tiền lương, tiền lót tay thì cần thỏa thuận cụ thể các vấn đề khác, trong đó có thu nhập từ hoạt động khác.
Một bản hợp đồng rõ ràng, chi tiết giúp cho họ tránh rất nhiều rắc rối về sau. Bóng đá Việt Nam càng phát triển thì giá trị cầu thủ sẽ càng tăng lên. Vì vậy, hơn ai hết các cầu thủ Việt Nam cần ý thức hơn, chuyên nghiệp hơn trong việc đàm phán, thương thảo hợp đồng sao cho có lợi nhất cho mình.