Khoảng 14 giờ ngày 22-5, phần lớn TP.HCM bất ngờ bị mất điện. Theo Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, không chỉ riêng TP.HCM mà toàn bộ khu vực miền Đông, một số tỉnh miền Tây cũng bị mất điện. Nguyên nhân do sự cố xảy ra ở đường dây 500 kV trong lúc truyền tải công suất cao, làm mất liên kết hệ thống điện 500 kV Bắc-Nam và gây nhảy tất cả tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam.
Giao thông ùn tắc
Ùn tắc cục bộ nhanh chóng xảy ra tại các giao lộ nằm trên nhiều tuyến đường nội thành quan trọng như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Pasteur, Cộng Hòa. CSGT, thanh niên xung phong và lực lượng dân quân phải tăng cường chốt chặn tại các ngả đường để điều tiết, phân luồng giao thông.
Để tránh nóng, nhiều trẻ em, người lớn tuổi buộc phải ra bên ngoài hoặc đến những điểm có cây xanh thoáng mát. Đặc biệt, nhiều phiên tòa đã lên lịch xử các vụ án vào chiều 22-5 phải hoãn lại. Nhiều đơn vị kinh doanh có máy phát điện nên ban đầu chưa bị ảnh hưởng. Nhưng do điện cúp quá lâu, nhiều doanh nghiệp, công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ sớm.
Đáng chú ý, khoảng 15 giờ 30, tại Trường Mầm non Hoa Hồng Nhỏ, đường Ba Cu, phường 3, TP Vũng Tàu, xảy ra vụ cháy. Các cô giáo cùng người dân đi đường đã kịp thời di chuyển toàn bộ 300 học sinh ra ngoài an toàn. Nguyên nhân cháy được xác định là do máy phát điện hoạt động hết công suất khi mất điện để chạy quạt cho các lớp trong trường.
Người dân ở chung cư Ngô Quyền, phường 9, quận 5 tập trung ra sân tránh nóng. Ảnh: HTD
Tuyến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) kẹt cứng. Ảnh: X.NGỌC
Doanh nghiệp mất cả đống tiền
Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Sài Gòn, cho biết do mất điện nên toàn bộ dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động. Đáng lo ngại nhất là nguyên liệu, sản phẩm của công ty nếu không được bảo quản trong môi trường lạnh sẽ hư hỏng hết. “Khoảng 17 giờ, công ty có điện trở lại nhưng toàn bộ số nguyên liệu làm bánh phải hủy, thiệt hại ước tính 120 triệu đồng. Đấy là chưa kể việc xuất các container hàng phải chậm mất một ngày, kéo theo nhiều rắc rối do phải làm lại thủ tục, hồ sơ đã khai báo với hải quan giờ phải làm lại, rồi còn xin lỗi khách hàng…” - ông Long nói.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), cũng cho hay: “Thiệt hại trong thời gian mất điện kéo dài là công ty sụt giảm gần 15 tấn sản phẩm, công ty chắc chắn phải giao hàng chậm, mất uy tín với khách hàng. Các kho lạnh vẫn đảm bảo nguồn điện nhờ có máy phát nhưng khu vực sản xuất chế biến thủy sản xuất khẩu coi như thua”.
Ngành điện nhanh chóng khắc phục
Bước đầu, nguyên nhân được xác định do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực TP mới Bình Dương chạm vào đường dây 500 kV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500 kV Tân Định. Tài xế Ngô Tấn Thảo trong lúc cẩu cây dầu cao hơn 10 m tại vườn ươm gần đường dây 500 KV tuyến Di Linh-Tân Định (thuộc phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã làm ngọn cây chạm vào đường dây nói trên gây tiếng nổ lớn. Sự cố đã gây nhảy tất cả tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam, dẫn tới mất điện toàn bộ (khoảng 9.400 MW). Hiện tài xế Thảo và xe cẩu 81B-3745 đã bị lực lượng chức năng tạm giữ.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, các tổng công ty Điện lực, các nhà máy điện tập trung lực lượng, khẩn trương khắc phục sự cố để tái lập cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam. Đến 15 giờ 54 phút cùng ngày, EVN đã đưa vào vận hành trở lại đường dây 500 kV Bắc-Nam và từng bước khôi phục hệ thống điện miền Nam. Trong chiều và tối 22-5, hệ thống điện miền Nam được khôi phục toàn bộ.
Đến 20 giờ cùng ngày, theo Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, toàn bộ 21 địa phương ở miền Nam do đơn vị này phân phối điện đã được cung cấp điện trở lại. Trước đó, từ 14 giờ 34 phút, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đã bắt đầu tái lập điện cho các trường học, bệnh viện. Khoảng 1 giờ sau, một số khu vực như quận 1, Bình Thạnh có điện. Đến 16 giờ, nhiều khu vực ở TP.HCM tiếp tục có điện trở lại. Trong khi đó, tại ĐBSCL, đến 16 giờ 30 mới chỉ có Cần Thơ có điện.
Thiệt hại, đòi ai? Trong sự cố này, ngành điện phải mất chi phí, tốn nhân lực để giải quyết sự cố. Với những thiệt hại này, ngành điện, cá nhân, tổ chức sử dụng điện có thể yêu cầu người gây ra sự cố bồi thường. Nhưng yêu cầu chỉ được giải quyết khi có chứng cứ chứng minh yếu tố lỗi của người gây ra sự cố. Đó có thể là người lái xe cẩu đã bất cẩn hay cố ý để cây xanh chạm vào đường dây 550 kV. Nhưng sự cố này cũng có thể là do các trụ điện không đủ chiều cao, đường dây điện bị thòng thấp không theo quy chuẩn. Muốn được bồi thường thiệt hại, đầu tiên người đòi bồi thường phải chứng minh yếu tố lỗi và lỗi này là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Thứ nữa, cá nhân, tổ chức yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh được thiệt hại thực tế nhưng đây là vấn đề không đơn giản. Để có cơ sở pháp lý thì ngay khi xảy ra sự việc, người bị thiệt hại phải lập biên bản mô tả sự việc về thời điểm xảy ra vụ việc, hậu quả, thiệt hại ra sao…; đồng thời để tăng tính pháp lý cho biên bản này thì người bị thiệt hại có thể đề nghị chính quyền địa phương chứng kiến, xác nhận hoặc yêu cầu lực lượng thừa phát lại lập vi bằng. Trong thực tế, không chỉ các tổ chức, doanh nghiệp mới bị thiệt hại mà khi điện cúp đột ngột cũng gây ra thiệt hại cho nhiều cá nhân, hộ gia đình. Có điều việc chứng minh lỗi, rồi chứng minh thiệt hại gặp nhiều khó khăn, trong khi mức bồi thường, nếu có cũng không bù được cho quá trình thực hiện yêu cầu nên thông thường nhiều người chọn cách tự khắc phục thiệt hại và không yêu cầu bồi thường. Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA, Đoàn Luật sư TP.HCM |
NHÓM PV - CTV