KỶ NIỆM NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28-6:

Cả nhà yêu thương nhau hơn sau mùa giãn cách

(PLO)-  Mùa giãn cách vừa qua, biết bao câu chuyện buồn vui xen lẫn hạnh phúc của các gia đình được kể lại qua lời của những người vợ, người mẹ nhân ngày Gia đình Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày Gia đình Việt Nam là dịp tôn vinh hạnh phúc đời thường của các gia đình Việt, tôn vinh những tinh túy mà các gia đình Việt đem lại cho xã hội.

Nhờ giãn cách mà chồng biết thương vợ hơn

Vợ chồng chị Trần Việt Thái (53 tuổi) và anh Trịnh Nguyên Quân (58 tuổi) kết hôn vừa tròn 30 năm.

Chị Thái cho biết vợ chồng chị may mắn được gia đình hai bên vun vén, tạo thành động lực để níu giữ nhau. Chị nhận thấy gia đình lớn đóng vai trò rất quan trọng trong hạnh phúc của gia đình nhỏ.

Chị Thái “nâng khăn sửa túi” cho chồng trong lần đi nhận bằng khen tuyên dương 30 năm gia đình hạnh phúc. Ảnh: NVCC

Chị Thái “nâng khăn sửa túi” cho chồng trong lần đi nhận bằng khen tuyên dương 30 năm gia đình hạnh phúc. Ảnh: NVCC

Mùa giãn cách vừa rồi, gia đình chị Thái có nhiều câu chuyện vui buồn đáng nhớ. Nhớ nhất là lúc dịch đỉnh điểm, chồng và con chị đều phải cấp cứu. Chị cho biết là một người vợ, lúc đó chỉ biết cố giữ bình tĩnh, tin tuởng vào bác sĩ và tư vấn của nguời có kinh nghiệm trong gia đình để quyết định và cứ thế dồn hết sức lo cho gia đình.

Sau đó là khoảng thời gian sinh hoạt rối bời mùa giãn cách. Lúc đó vợ chồng chị và con lớn đều làm việc tại nhà, con nhỏ học online. Cả nhà vừa lo việc riêng vừa phải đảm bảo công việc chung. Ngày thường bố trí nhà cửa khoa học thì mùa dịch lại trở nên không hợp lý, mọi sự đảo lộn hết. Tuy nhiên, các thành viên cũng đều phân công công việc không phân biệt chồng hay vợ, cha mẹ hay con cái.

Là vợ, chị Thái cũng phải đảm bảo việc ăn uống đầy đủ chất cho cả gia đình. Mùa dịch một ngày nấu ba bữa, mỗi người một nhu cầu (theo yêu cầu của bác sĩ) và sở thích khác nhau trở thành nỗi áp lực đối với một nữ công chức như chị. Chị thừa nhận mình không chuyên về nội trợ nên gặp nhiều khó khăn, phải lên mạng học hỏi. Tuy nhiên, khi vượt qua được khoảng thời gian đó, chị Thái thấy mình được nâng cao tay nghề nội trợ.

“Chồng con thấy tôi cực quá cũng xắn tay áo lên phụ. Con út bắt đầu biết rửa chén, học nấu ăn, học kỹ năng làm bếp sao cho nhanh và tiện. Con trai lớn còn “tự nhiên” sửa được cả quạt và tự vệ sinh máy lạnh. Tôi thấy nhờ giãn cách vậy mà chồng con biết được nỗi cực của mình, thấy thương mình hơn, trưởng thành hơn” - chị Thái bộc bạch.

Vợ chồng chị Nga ngày trước là bạn đại học và đã kết hôn tròn 30 năm. Ảnh: NVCC

Vợ chồng chị Nga ngày trước là bạn đại học và đã kết hôn tròn 30 năm. Ảnh: NVCC

Chồng con được dịp trổ tài nội trợ

Gia đình chị Nguyễn Thị Việt Nga (54 tuổi) cũng kết hôn tròn 30 năm. Chị cho biết trong 30 năm hôn nhân, chị và ông xã tất nhiên cũng có những lúc không cùng quan điểm nhưng vợ chồng thống nhất phải biết thông cảm cho nhau, nghĩ rằng đối phương chỉ có ý tốt, từ đó dễ dàng cho qua vấn đề.

Nhà chị Nga phân công công việc theo thế mạnh, ai mạnh việc gì sẽ đảm nhiệm việc đó. Các thành viên luôn quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mùa giãn cách vừa qua, cả gia đình đều lần lượt là F0 nên được dịp tập trung lo lắng, chăm sóc cho nhau. Vì thế, không những không xảy ra bất đồng hay mâu thuẫn mà tình cảm gia đình còn trở nên gắn kết hơn. Mọi người có thời gian nấu bữa ăn cho gia đình, ngồi trò chuyện bên nhau. Mọi người đều làm việc tại nhà nên cùng chia sẻ thiết bị, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn khi làm việc online.

Trong cuộc thi ảnh đẹp gia đình do Công đoàn Viên chức TP tổ chức vừa qua, bức ảnh gia đình chị Dương Thị Huyền Trâm đạt giải nhất. Đây là bức ảnh ghi lại khoảnh khắc gia đình chị trong những ngày giãn cách xã hội.

Chị Nga kể thêm ngày thường chị là đầu bếp chính của gia đình. Đợt giãn cách, chồng và hai con trai chị có thời gian vào bếp cùng nhau học nấu ăn, phụ nhau chế biến các món độc, lạ. Ngồi ăn, cả gia đình còn góp ý kiến để kỹ năng nấu ăn của nhau hoàn thiện hơn.

“Những ngày giãn cách nhiều khó khăn, áp lực như thế, gia đình tôi cũng có những bất tiện trong sinh hoạt. Gia đình tôi rất dân chủ, ai nhận thấy có vấn đề gì chưa ổn thì cứ nói ra, các thành viên sẽ lắng nghe và thảo luận. Nhờ vậy, gia đình chúng tôi vẫn là nơi hướng về của mỗi thành viên khi xa nhà” - chị Nga nói.

Còn vợ chồng chị Dương Thị Huyền Trâm (40 tuổi) kết hôn tròn 15 năm, đã có hai bé gái 14 tuổi và tám tuổi. Chị Trâm cho biết trong 15 năm qua, bản thân chị rất may mắn vì chưa lúc nào xảy ra những mâu thuẫn lớn với chồng. “Dù có những bất đồng trong quan điểm sống hay cách dạy con nhưng ông xã luôn chủ động nhường nhịn tôi. Vợ chồng không hơn thua với nhau thì sẽ dễ dàng hóa giải nhiều bất đồng” - chị Trâm chia sẻ.

Mùa dịch vừa qua, vì làm việc ở ban phong trào nên chị Trâm đều ở cơ quan, vài tuần mới về nhà một lần. Ông xã chị làm việc tại nhà, các con lại nghỉ học. Lúc đó gia đình chị thiếu vắng vai trò của phụ nữ. Vì vậy chồng chị vừa làm cha vừa làm mẹ.

“Tôi tham gia trận chiến chống dịch có hơi vất vả nhưng chồng ở nhà lo toan mọi thứ còn áp lực gấp bội lần. Lúc đó ở nhà, chồng tôi vừa đảm nhận chăm sóc con cái vừa phải đảm bảo tiến độ công việc. Tuy nhiên, ông xã vẫn luôn động viên để tôi yên tâm công tác. Tôi thấy may mắn và biết ơn điều đó rất nhiều” - chị Trâm bộc bạch.

Chị Trâm chia sẻ trong mùa dịch, vì thời gian dành cho gia đình không nhiều nên chị trân trọng từng khoảnh khắc quây quần. Nhờ đó, những lúc bên nhau, gia đình chị trở nên vui vẻ và gắn bó hơn cả những lúc chưa dịch bệnh. “Thời điểm đó, gia đình còn là chỗ dựa tinh thần để tôi vượt qua những áp lực trong công tác phòng chống dịch. Gia đình là nơi tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau” - chị Trâm nói .•

Tìm kiếm “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu”năm 2022

Ngày 27-6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu lễ tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 và các hoạt động đồng hành.

Năm 2022, chương trình sẽ đồng hành các gia đình trẻ khởi nghiệp để giúp các vợ chồng trẻ có thể phát triển kinh tế và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chương trình bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1-7 đến 31-8. Hồ sơ gửi về: Cổng tri thức Thánh Gióng, 64 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Lễ tuyên dương dự kiến tổ chức từ ngày 30-9 đến 2-10, tại thủ đô Hà Nội.

Mỗi gia đình được tuyên dương sẽ được nhận bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, kỷ niệm chương của chương trình và các phần thưởng có giá trị khác. VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm