Các nước P5+1 đàm phán gì với Iran?

Hãng tin Sputnik (Nga) cho biết nội dung đàm phán gồm các điểm chủ yếu như sau:

Mục tiêu: Nội dung đàm phán hiện nay nhằm đạt được các đường lối chủ yếu, căn cứ vào đó bắt đầu soạn thảo thỏa thuận cuối cùng gồm đầy đủ các yếu tố chính trị, kỹ thuật và pháp lý. Thời hạn đến cuối tháng 6 phải đạt được thỏa thuận cuối cùng. Mục đích: Giảm tiềm năng hạt nhân của Iran trong tối thiểu 10 năm để ngăn chặn Iran tập trung đủ uranium chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại lệnh cấm vận đối với Iran phải được dỡ bỏ.

“Thời gian bùng nổ”: Đây là từ ngữ dùng để chỉ thời gian cần thiết để sản xuất đủ uranium làm giàu nhằm chế tạo bom hạt nhân. Nhóm P5+1 muốn hạn chế chương trình làm giàu uranium của Iran với mốc “thời gian bùng nổ” tối thiểu một năm.

Làm giàu uranium: Tháng 4-2006, Iran bắt đầu quy trình làm giàu đạt mức 3,5%. Tháng 2-2010, Iran đã có khả năng làm giàu 20%. Nếu muốn, Iran có thể tiến rất nhanh đến mức 90% đủ để chế tạo bom hạt nhân. Nhóm P5+1 chấp nhận khoanh vùng ở mốc uranium 20%. Iran hiện có 19.000 lò ly tâm, trong đó có 10.200 lò hoạt động. Nhóm P5+1 muốn giảm còn 6.000 lò.

Nghiên cứu và phát triển: Nhóm P5+1 nhận định hạn chế số lượng uranium làm giàu không có ý nghĩa gì nếu không tính đến thành tựu công nghệ của Iran về hạt nhân. Ngày 7-3, Iran tuyên bố sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển để phát triển các lò ly tâm mới mạnh hơn, hiện đại hơn.

Các cơ sở hạt nhân: Thỏa thuận đạt được phải làm rõ các cơ sở hạt nhân nào Iran được phép giữ lại.

Kiểm tra: Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế phải được phép kiểm tra các cơ sở hạt nhân Iran. Tháng 12-2003, Iran đã ký nghị định thư bổ sung cho phép các thanh sát viên đến giám sát bất ngờ các cơ sở hạt nhân Iran. Đến tháng 2-2006, Iran ngừng thực hiện nghị định thư.

Cấm vận: Iran muốn dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ, EU và LHQ. Nhóm P5+1 sẵn sàng giảm nhanh cấm vận từ Mỹ và EU về tài chính và dầu hỏa nhưng lại muốn giảm cấm vận kinh tế và thương mại do LHQ ban hành từ năm 2006 theo từng chặng kéo dài nhiều năm căn cứ kết quả thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.

TNL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm