Hai HLV Kiatisak
Hai HLV Kiatisak và Miura rất tương đồng nhau ở chỗ “một nách hai con” nhưng HLV Kiatisak thì được hưởng lợi bởi một nền bóng đá liên tục cải thiện để chuẩn mực hóa và tiến lên mức độ giải chuyên nghiệp thực thụ. Trong khi đó, HLV Miura thì phải lọ mọ “đào tạo lại” cầu thủ khi lên tuyển. Từ ba năm nay mỗi khi Thái Lan tập trung đội tuyển thì là ngắn hạn và còn tuyển Việt Nam thì tập trung dài hạn... miên man.
Một nền bóng đá mà mỗi CLB Thái Lan đều quyết liệt tìm hướng phát triển theo chuyên nghiệp và thu hút tài trợ đã giúp các CLB Thái Lan tiến gần đến chuẩn mực thế giới. Đó là điều mà HLV Kiatisak bây giờ được hưởng lợi và đó cũng minh họa cho những thành tích gần đây của thầy trò Kiatisak khi vô địch AFF Cup 2014, vô địch SEA Games 27 (2013) và hạng tư Asiad 17.
Những thành quả ấy có được chính là nhờ công của các CLB đào tạo được cầu thủ rất chất lượng. Chúng ta biết rằng, trong vài năm trở lại đây hai CLB Thái Lan như Muangthong và Buriram chơi tốt ở đấu trường Champions League, chẳng hạn như Buriram năm nay sau ba lượt trận đang dẫn đầu bảng (họ cùng bảng với nhà vô địch Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc). CLB này đã đóng góp cho U-23 Thái Lan đến năm cầu thủ trong đó có Bummathan, đây cũng chính là cầu thủ ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho Buriram trước Gamba Osaka trên đất Nhật ở lượt trận thứ ba vòng bảng Champions League.
Muangthong, Bangkok Glass, Chonburi… là những CLB chuyên nghiệp thực sự của Thái Lan đóng góp quân vào các đội tuyển của HLV Kiatisak rất nhiều. Cái chính ở cấp CLB cầu thủ già dặn kinh nghiệm thi đấu quốc tế nên khi đội tuyển tập trung, HLV Kiatisak hưởng lợi rất nhiều.
HLV Miura
Nhìn sang HLV Miura, trong tay của ông từ đội tuyển quốc gia cho đến đội U-23 có được có được cầu thủ nào đến từ những CLB thi đấu thành công ở châu lục. Chẳng ai thành công cả. Hà Nội T&T vào vòng play off thứ hai gặp Seoul thì thua 0-7, B.Bình Dương thì qua ba trận vòng bảng Champions League toàn thua nặng.
Trò chuyện với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nói rằng, bóng đá Thái Lan sẽ còn tăng tốc và vượt xa Đông Nam Á trong tương lại gần. Vì Thai- League hiện nay đã chỉn chu, chỉ cần nâng chất. Các đội tuyển cứ tập trung ngắn hạn năm sáu này rồi được trả về CLB. Điều này giúp cầu thủ luôn giữ phong độ tốt, HLV theo dõi dễ, bản thân cầu thủ luôn giữ cảm giác thi đấu tốt nên khi tuyển tập trung HLV rất nhẹ nhàng để đi vào nâng chất mà thôi. Còn ông Miura thì phải lo rất nhiều việc, từ việc nâng cao thể lực, bày biểu kỹ chiến thuật. Và tập trung dài hạn khiến cảm giác thi đấu của cầu thủ không tốt như tập trung ngắn hạn rồi trả về CLB thi đấu…
Thật vậy, từ ngày chuẩn bị cho vòng loại U-23 châu Á, tuyển U-23 Thái Lan chỉ tập trung ba đợt ngắn hạn từ giữa tháng hai, cầu thủ đảm bảo không bỏ trận ở CLB lại giữ phong độ cực tốt khi lên tuyển.
Điều không thể tưởng nhưng là sự thật là ngay ngày hôm sau khi U-23 đá trận cuối cùng vòng loại U-23 châu Á ngày 31-3 (hòa CHDCND Triều Tiên 0-0) thì trước đó một ngày HLV Kiatisak đã dẫn dắt tuyển quốc gia Thái Lan đá giao hữu với tuyển Cameroon ngày 30-3 (Thái Lan thua 1-2)…
Nói thế để thấy rằng, cũng là HLV trưởng đội tuyển quốc gia trong hoàn cảnh “một nách hai con” nhưng HLV Kiatisak thì khỏe hơn rất nhiều so với HLB Miura còn phải làm nhiều thứ. Một khi các CLB của Việt Nam chỉ tham gia AFC Cup đá với các đội làng nhàng ở Đông Nam Á thì ngang ngửa nhưng ra đấu trường Champions League thì thua và thua đậm liên tục thì đó chính là tấm gương phản chiếu lên một đội tuyển ốm yếu khi gặp các đối thủ mạnh khác của châu Á.
Chúng ta còn nhớ rằng, những năm 2000 chỉ cần hai CLB của Thái Lan đình đám trên đấu trường châu lục như Thai Farmer Bank (vô địch Cúp C2 châu Á) và BEC Tero Sasana (vào chung kết cúp C1) không thôi thì cũng là lúc đội tuyển Thái Lan chơi ở cấp độ châu lục. Thành tích của thầy trò HLV Kiatisak ngày nay cũng là nhờ những CLB mạnh của họ đang thi đấu rất tốt ở giải châu lục vài năm trở lại đây.
HLV Kiatisak đồng điệu với đồng nghiệp Miura nhưng công việc của Miura thì thách thức hơn nhiều.