Dự thảo quy định sáu trường hợp được chỉ định thầu và chỉ có một trường hợp giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, nhiều ĐB vẫn cho rằng những trường hợp được chỉ định thầu trong dự thảo vẫn còn chung chung, dễ tạo điều kiện cho “quân xanh, quân đỏ” được chỉ định thầu. Cụ thể như trường hợp gói thầu cần thực hiện để khắc phục sự cố bất khả kháng hoặc sự cố cần khắc phục ngay hay như trường hợp gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ, hải đảo.
“Sự cố bất khả kháng không phải là trường hợp nên áp dụng hình thức chỉ định thầu. Không nên áp dụng trường hợp này để bảo đảm tính khách quan, minh bạch và phòng, chống tham nhũng một cách triệt để. Chỉ nên áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp cấp bách, cần khắc phục ngay hoặc bí mật, an ninh quốc gia. Không nên sử dụng cách viết chung chung “sự cố bất khả kháng, sự cố cần khắc phục ngay” mà thay vào đó quy định luôn các trường hợp cấp bách, cần khắc phục ngay là những trường hợp nào” - ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nói.
ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cũng cho rằng chỉ định thầu chỉ nên áp dụng rất hạn chế cho việc cung ứng các hàng hóa, sản phẩm có điều kiện nhất định. Tuy nhiên, thời gian qua có trên 7% các gói thầu được thực hiện dưới dạng chỉ định thầu. “Điều này cho thấy luật hiện hành còn nhiều quy định chưa chặt chẽ, tạo khe hở cho cả chủ đầu tư và nhà thầu lách luật, làm phát sinh những tiêu cực gây thất thoát và lãng phí tài sản của Nhà nước. Vì vậy để khắc phục tình trạng này cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện, thủ tục, trình tự, thẩm quyền chỉ định thầu, nhất là đối với các gói thầu liên quan đến xây dựng cơ bản mà vận dụng trường hợp khẩn cấp và cấp bách” - ĐB Khánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến đấu thầu thuốc, giá thầu, tình trạng thông thầu… cũng được các ĐB quan tâm và đòi hỏi dự thảo phải có những quy định rõ ràng để đảm bảo sự minh bạch, bình đẳng trong đấu thầu.
T.HẰNG