Chiều 11-9, Đoàn Công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM khảo sát kết quả 20 năm thực hiện chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản" tại TP.HCM.
Tại buổi làm việc, ông Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã trình bày tóm tắt Dự thảo báo cáo tổng kết Chỉ thị 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Theo đó, sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42, hoạt động xuất bản của TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển nhanh về quy mô, số lượng; chất lượng xuất bản phẩm được nâng cao, góp phần đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.
Việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc được TP duy trì thực hiện, đầu tư trong nhiều năm qua thông qua việc tổ chức các sự kiện về sách.
Tiêu biểu như NXB Trẻ có số lượng sách thuộc kế hoạch sách tự doanh chiếm trên 98%. Hằng năm, các nhà xuất bản của TP đều có ấn phẩm đạt giải quốc gia và nhiều giải thưởng sách khác do sở, ngành, địa phương tổ chức.
Nhiều hoạt động định kỳ đã trở thành điểm nhấn văn hóa, thu hút đông đảo người dân như: Lễ hội Đường sách tết Nguyên đán (từ năm 2000 đến nay), Hội sách TP.HCM, Hội sách Thiếu nhi, Ngày Sách và Văn hóa đọc... thu hút hàng trăm ngàn lượt người/năm...
Tuy nhiên, hoạt động xuất bản của thành phố vẫn gặp nhiều hạn chế như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước chưa theo kịp sự phát triển lĩnh vực xuất bản trên địa bàn TP; chất lượng, đề tài xuất bản còn hạn chế so với yêu cầu của thời kỳ hội nhập; hiệu quả phát hành còn hạn chế; việc chăm lo phát triển nhu cầu đọc giữa nội thành và các huyện ngoài lực lượng đội ngũ của các NXB là điểm mấu chốt thành còn khoảng cách...
Tham dự buổi làm việc, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh mô hình hoạt động xuất bản tại TP.HCM sẽ phát triển hiệu quả nếu như tạo cơ hội điều kiện cho các đơn vị được làm việc mà họ đam mê và phát triển đúng theo nhu cầu của thị trường.
"Ngành xuất bản phát triển tại TP.HCM đầu tiên là nhờ nguồn nhân lực của nhà xuất bản rất năng động, đề xuất nhiều phương thức, cách làm mới hiệu quả để tổ chức nhiệm vụ của mình.
Nguồn nhân lực bên trong của chính các NXB, lực lượng đội ngũ của các NXB là điểm mấu chốt và chúng ta phải tạo điều kiện cho lực lượng này phát triển" - bà Trần Thị Diệu Thúy cho hay.
Bà Trần Thị Diệu Thúy cũng nhấn mạnh về việc tạo điều kiện về cơ chế lương và các khoản thù lao, nhuận bút cho đội ngũ xuất bản...; tạo hành lang pháp lý đủ rộng để linh hoạt trong sửa luật.
Cuối buổi làm việc, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao TP.HCM với những kết quả nổi bật về công tác thực hiện chỉ thị 42 trong điều kiện TP là trung tâm xuất bản, in và phát hành sách năng động, sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi số.
Tuy nhiên, cần khắc phục những hạn chế như chất lượng xuất bản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, lộ trình thực hiện công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực chưa rõ ràng… nhằm hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ trong sự nghiệp xuất bản, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Có mặt tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM nhấn mạnh rất cấp thiết trong việc hình thành văn hóa đọc ngay tại nhà trường bằng cách chỉ đạo chính thức về tiết đọc sách.
Với phương châm "Học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng", các tiết đọc sách sẽ tạo động lực, cảm hứng đọc sách cho học sinh. Đọc để học tập, cảm nhận; đọc theo chủ đề, môn học để dễ tiếp thu kiến thức. Theo ông, xây dựng thói quen đọc sách là cách tốt nhất hình thành văn hóa đọc cho con trẻ.