Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tháng tới, khi ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Quốc tế St Petersburg, trợ lý tổng thống Nga Yuri Ushakov nói với thông tấn xã nhà nước TASS.
Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang trên nhiều mặt trận bao gồm thương mại, công nghệ, và Bắc Cực, nơi Bắc Kinh bắt tay với Moscow xây dựng cảng, bến tàu và tàu phá băng ngoài khơi nước Nga. Sự hợp tác này đã bị phía Washington chỉ trích.
Đây sẽ là lần thứ hai ông Tập tham gia diễn đàn St Petersburg và các nhà quan sát kỳ vọng nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh đối với chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy sự cởi mở và hợp tác của quốc gia này.
Đây cũng sẽ là cuộc gặp thứ hai của ông Tập với Tổng thống Putin trong vòng hai tháng, sau cuộc hội đàm bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh vào cuối tháng 4, khi Tổng thống Nga đề nghị hỗ trợ cho dự án tham vọng này.
Theo các nhà quan sát, Trung Quốc và Nga đang tiến gần nhau hơn, cuộc họp mới nhất của hai nhà lãnh đạo có thể sẽ liên quan đến các chiến lược hợp tác trong một loạt vấn đề - bao gồm Venezuela, Triều Tiên, vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí. Ông Tập đã gặp ông Putin nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào khác kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2013.
Artyom Lukin, Phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok cho biết “Các động thái chống Trung Quốc gần nhất của Mỹ, như thuế quan và lệnh cấm Huawei, sẽ là chủ đề nổi bật trong các cuộc trò chuyện của hai nhà lãnh đạo.”
Lukin cho biết nền kinh tế đang trong tình trạng trì trệ cộng thêm ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga khó có thể trở thành một sự thay thế cho những thị trường nước ngoài mà Trung Quốc đánh mất do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nhưng ông nói tổng thống Putin sẽ “hỗ trợ cho ông Tập”.
“Điều này có ý nghĩa quan trọng vì Nga đã chịu được những đòn trừng phạt mạnh mẽ do Mỹ lãnh đạo trong hơn năm năm vừa qua”, ông Lukin đề cập đến các lệnh trừng phạt được áp dụng sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Tổng thống Venezuela, người nhận được ủng hộ của Trung Quốc và Nga. Ảnh: Reuters
Ông Tập và ông Putin cũng dự kiến sẽ nói về Venezuela, nơi lãnh đạo phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn Juan Guaido đang cố gắng tấn công Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro, người nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc và Nga.
“Moscow và Bắc Kinh không thể gây tổn hại nghiêm trọng cho Washington bằng cách tăng thuế hoặc từ chối sử dụng công nghệ cao của nước này. Tuy nhiên, có rất nhiều lĩnh vực mà các chính sách Trung-Nga phối hợp có thể gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ trong ngắn hạn hoặc về lâu dài”, ông Lukin nói.
Trung Quốc và Nga cũng sẽ tìm cách thúc đẩy quan hệ kinh tế. Trung Quốc đã nhập 108 tỉ USD khí đốt và dầu mỏ của Nga vào năm ngoái.
Li Lifan, giáo sư của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết Trung Quốc sẽ tìm cách đa dạng hóa các khoản đầu tư và thị trường của mình tới các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Nga và châu Âu. Nhưng Bắc Kinh dự kiến sẽ không làm trầm trọng thêm căng thẳng với Washington.
Trung Quốc muốn chứng minh rằng họ có một người bạn đáng tin cậy - Nga – nhưng sẽ không thực hiện điều này theo cách khiêu khích công khai.
Stephen Blank, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Chính sách đối ngoại của Mỹ ở Washington, cho biết Bắc Kinh và Moscow cũng sẽ tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ “hết sức có thể” tại Trung Á, nơi Trung Quốc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Các nhà lãnh đạo trong khu vực sẽ tập trung tại Bishkek vào tháng tới tại hội nghị thượng đỉnh SCO, một khối an ninh được thành lập vào năm 2001 bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan. Khối này chiếm khoảng 23% diện tích thế giới, 45% dân số và 25% GDP toàn cầu.
Hội nghị Thượng đỉnh SCO 2018. Ảnh: AP
Một trong những vấn đề được thảo luận của hội nghị sẽ liên quan đến Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và ra lệnh trừng phạt đối với nước này.
Động thái của Mỹ đối với Iran sẽ giúp Trung Quốc và Nga dễ dàng thể hiện vai trò người đề xuất giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột. Đồng thời, nếu thừa nhận Iran là một quốc gia thành viên sẽ giúp các thành viên SCO thể hiện sự ủng hộ của họ đối với hợp tác đa phương và hòa bình.
Đây là một tín hiệu mạnh mẽ đối với Mỹ và nâng cao vị thế của SCO trong cộng đồng quốc tế.
Ngoài vấn đề an ninh, chuyến thăm của ông Tập đến Trung Á cũng sẽ tập trung vào các mối quan hệ kinh tế.
Li cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng đầu tư vào khu vực Trung Á, mua nông sản, xây dựng thủy điện, đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và gió tại địa phương.