Cánh diều… đói gió

Năm nay có 13 phim truyện nhựa tham gia tranh giải nhưng chỉ có một phim nhà nước. Phim tư nhân áp đảo về lượng nhưng chất thì thượng vàng hạ cám. Một số phim được đầu tư bài bản từ khâu kịch bản, đạo diễn có tay nghề, diễn viên gạo cội đến dám chi nặng tay nên đã có được tác phẩm điện ảnh đích thực. Bên cạnh đó là nhiều phim nhảm nhí, chọc cười rẻ tiền, đến nỗi một quan chức trong ngành đã phát biểu đó là những phim “thảm họa”! Có lần nhà thơ, nhà báo Đỗ Trung Quân nói nửa đùa nửa thật: Xem phim hài Việt Nam thì nổi da gà như xem phim kinh dị, còn xem phim kinh dị của ta thì mắc cười như xem phim hài!

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Tư nhân họ bỏ tiền túi ra làm phim, họ phải tìm cách thu hồi vốn và kiếm lời chứ có phải “tiền chùa” như các hãng phim nhà nước đâu mà bỏ bạc tỉ ra làm phim để chiếu cho các “quan” xem xong rồi đắp mền! Nếu có phim nào được đem chiếu rạp cũng chỉ một vài hôm, rạp trống hoác nên chủ rạp xin mời đem về cất. Phim có nghệ thuật, hay dở cỡ nào cũng chỉ mấy người “trong làng” khen chê nhau, khán giả ít ai quan tâm. Kể cả một số đạo diễn, diễn viên điện ảnh quen biết mà tôi vừa gặp gỡ, trao đổi, họ cũng chẳng để ý tới chuyện phim nào đoạt diều vàng, diều bạc… Có vẻ những cánh diều ngày càng mất sức hấp dẫn. Những cánh diều thiếu gió!

Bên cạnh mảng phim truyện nhựa khá thưa thớt thì mảng truyền hình thường xuyên đông đảo phim tham gia. Mặc dù đã có liên hoan truyền hình toàn quốc hằng năm nhưng những người làm phim truyền hình vẫn rất nhiệt tình tham gia giải thưởng Cánh diều. Ngược lại với phim điện ảnh nhà nước bị động so với phim tư nhân khi bị nhiều cụm rạp từ chối bởi người xem quay lưng, phim truyền hình của các hãng phim quốc doanh lại có lợi thế tuyệt đối là bảo đảm 100% đầu ra, bởi các đài truyền hình vốn là “phe ta” nên ưu tiên chiếu “phim ta”. Do vậy phim truyền hình quốc doanh chất lượng ăn đứt phim các hãng tư nhân. Nhất là các phim phía Bắc thường đi sâu vào những đề tài thiết thân, nhạy cảm được nhiều người quan tâm theo dõi như các phimChạy án, Ngõ lỗ thủng, Bí thư tỉnh ủy... chiếu trên VTV vài năm trước. Đạo diễn Lê Cung Bắc, một đạo diễn phim truyền hình kỳ cựu phía Nam, có lần nói với tôi rằng tuy làm phim truyền hình nhưng ông ít xem phim truyền hình, nếu có xem ông chỉ xem phim truyền hình phía Bắc!

Ở mảng phim truyền hình thì các hãng tư nhân (hầu hết ở phía Nam) lại thất thế so với phim truyền hình quốc doanh vì bị động đầu ra. Các hãng phim tư nhân phải lệ thuộc vào đài truyền hình. Đề cương kịch bản phải trao đổi trước với nhà đài. Hiện nay phim bắt buộc phải có những nhân vật là giới trẻ khá giả thành thị - ăn chơi chưng diện se sua càng tốt - để nhà đài dễ bán quảng cáo cho các hãng sản xuất hàng tiêu dùng. Khi được nhà đài đồng ý đề cương, nhà sản xuất phải chạy đua làm phim thật nhanh, tiết kiệm tối đa chi phí. Khán giả để ý sẽ thấy nhiều phim hàng mấy chục tập nhưng chỉ quay đi quay lại tại mấy địa điểm, mục đích giảm chi phí và thời gian. Công đoạn làm phim từ A tới Z chỉ tốn mất 2/3 chi phí, còn tiền quảng bá phim, tiền lót tay để phim được nhận chiếu chiếm 1/3 còn lại.Vì vậy muốn có lãi, các hãng chỉ có thể sản xuất phim “mì ăn liền”, bắt chước na ná các phim Hàn Quốc để câu khách. Thế là giải Cánh diều vàng phim truyền hình chắc chắn trong tay các phim quốc doanh thôi.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm