Mới đây, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản gửi các bộ về việc chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 3 Quốc hội (QH) khóa XIV (dự kiến khai mạc ngày 22-5-2017). Trong đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp chuẩn bị dự án Luật Cảnh vệ để trình QH thảo luận, thông qua tại kỳ họp này.
Luật cảnh vệ quy định chi tiết những đối tượng được bảo vệ, những biện pháp và chế độ cảnh vệ. Nguồn: Báo Giao thông. |
Dự án Luật Cảnh vệ đã được đưa ra QH thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 cuối năm ngoái. Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật Cảnh vệ đã bỏ quy định cho phép cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được quyền trưng dụng tài sản, phương tiện trong trường hợp cấp bách.
Cụ thể, theo dự thảo trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được quyền huy động người, thực hiện trưng dụng theo quy định của pháp luật tài sản, phương tiện trong trường hợp cấp bách để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Đến dự thảo mới đây, quy định nêu trên đã được thay bằng nội dung “trong trường hợp cấp bách, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ thì (cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ) được huy động người, phương tiện theo quy định”.
Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (cơ quan thẩm tra dự luật), nếu giữ lại thẩm quyền trưng dụng tài sản, phương tiện như dự thảo ban đầu thì phải sửa đổi, bổ sung Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008. Hơn nữa đây là quyền con người và dễ bị lạm dụng trong khi thi hành nhiệm vụ. Do vậy, dự thảo Luật Cảnh vệ đã tiếp thu, chỉnh sửa như trên.
Như chúng tôi đã đưa tin, Luật Cảnh vệ là dự luật quan trọng quy định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ… Theo đó, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ. Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ.
Dự kiến dự thảo Luật Cảnh vệ sẽ được trình QH thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 tới và có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, thay thế cho Pháp lệnh Cảnh vệ 2005.
Huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ 1. Trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trừ trường hợp phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và những người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 2. Cơ quan, người huy động phương tiện có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. (Điều 22 dự thảo Luật Cảnh vệ) |