Câu chuyện phép màu của người bố trẻ

Tác giả sách, phóng viên Lê Hữu Nam, người trải qua phần lớn tuổi thơ của mình trong bệnh viện, đến nay ở tuổi 29, khi sức khỏe ổn nhất, cân nặng cũng chỉ 30 kg mà thôi.

Lớn lên cùng những ca cấp cứu

Sinh ra tại Đà Lạt, bị chứng tâm thất của tim không có vách ngăn, cậu bé sáu tuổi Lê Hữu Nam đã trải qua cuộc đại phẫu hơn bốn tiếng để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật tiếp theo. Nhưng động mạch phổi bị tổn thương, cuộc phẫu thuật thứ hai không tiến hành được. Quay về Đà Lạt, bệnh càng ngày càng trở nặng. Suốt những năm cấp 1, Nam nghỉ bệnh ở nhà chép bài, tự học nhiều hơn đến lớp.

12 tuổi, các biến chứng ở phổi trở nặng. Những cơn suy tim dồn dập hơn, Nam rời Đà Lạt “định cư” suốt ba năm ở BV Nhi đồng 2, TP.HCM. Mẹ Nam vừa chăm sóc con vừa đun nước sôi bán trong bệnh viện để kiếm thêm tiền trang trải. 15 tuổi, hết tuổi nhi đồng, Nam buộc phải xuất viện. Từ đó hành trình chữa bệnh càng gian nan khi hai mẹ con Nam ngược xuôi vào Chợ Rẫy, 115, Viện Tim. Với Nam, sống với ống tiêm, dịch truyền và các ca cấp cứu là thường xuyên như cơm bữa.

Thời gian ba năm tại BV Nhi đồng 2 không được về thăm nhà vì không khí loãng thiếu ôxy và lạnh sẽ khiến bệnh nặng hơn, với Nam nỗi nhớ lớn nhất là nhớ lớp học. Lời động viên “bệnh sẽ sớm lành, rồi con sẽ được về nhà đi học” cũng là một liều thuốc cho Nam lúc này. Vùi đầu vào những cuốn sách được các bác sĩ và các sinh viên y khoa mua tới tặng, mùa hè có em trai xuống thăm, kể chuyện trường lớp, Nam cảm thấy cuộc sống tươi hồng hơn.

 
Đối với Lê Hữu Nam, con trai chào đời là một phép màu, do đó Nam vẫn hy vọng vào phép màu tiếp theo, ngày được gặp lại con. Ảnh: TRÀ GIANG

Trở thành phóng viên khi chưa xong cấp 1

Em trai vào ĐH, Nam nhờ em dạy vi tính cho mình, nhờ em mua sách về đọc. Nam khám phá thế giới bên ngoài qua em trai mình. Sau đó thì làm quen mạng vi tính, Nam như được mở ra một chân trời mới. Nam tự mày mò, lập diễn đàn giao lưu, trao đổi với bạn bè.

Lúc này sức khỏe của Nam vẫn không ổn định. Những lần đi cấp cứu, chứng kiến sự vất vả của mẹ, cảnh khốn đốn chạy vạy của gia đình, Nam thổn thức và viết như một lối thoát, một cách trải lòng. Dần dần, viết lách trở thành niềm đam mê để chiến đấu với bệnh tật.

Khỏe là Nam viết. Nam muốn mình sống có ích. Nam viết tặng những người xung quanh, viết những câu chuyện tốt đẹp, viết để chia sẻ quan điểm, niềm tin yêu cuộc sống với bạn bè trên diễn đàn…

Nam trở thành cộng tác viên thường xuyên của một vài tờ tạp chí. Cũng nhờ viết lách và tạo lập được những quan hệ tốt, Nam được thử việc tại tạp chí Tiếp thị&Gia đình. Có em trai đưa đón đi làm, dần dần Nam chứng tỏ được năng lực và được nhận làm phóng viên chính thức của tạp chí này.

Niềm vui nữa, Nam đã gặp một người con gái xinh đẹp nguyện sống cùng anh. Nam kết hôn và một cậu con trai bụ bẫm, khỏe mạnh chào đời. Với Nam, đó thực sự là một phép màu.

“Con đến như một phép màu”

Tuy nhiên, cuộc sống không lường được điều gì phía trước. Khi con trai được ba tháng tuổi, vợ Nam xin phép đưa con về thăm quê ngoại tại Hà Nội một tháng. Rồi đi luôn, đã gần hai năm vợ Nam chưa trở lại. Trong điện thoại, Nam chỉ gặp sự lảng tránh hoặc hứa hẹn mịt mù.

Không thể đi máy bay hoặc ngồi tàu, khoảng cách Bắc-Nam trở nên xa vời vợi. Nhớ con, Nam gắng sức làm và dành dụm tiền từ nhuận bút khiêm tốn để đều đặn gửi ra cho nó. Số còn lại, Nam mua sách, mua kèn harmonica dành cho con mai sau.

Mặt khác, Nam dồn sức viết cho con. Hy vọng khi con lớn lên, nó sẽ hiểu về cha và tình cảm anh dành cho nó thế nào. Có những lúc nằm cấp cứu trên giường bệnh, trong lằn ranh mong manh của tính mạng, Nam vẫn viết cho con bằng bất cứ phương tiện gì có thể.

Giờ đây, ngoài công việc viết lách, Nam còn tham gia những hoạt động thiện nguyện. Nhóm thiện nguyện mà Nam là thành viên cấp học bổng cho ba học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Học bổng của nhóm Nam dù nhỏ nhoi nhưng là sự động viên lớn lao về nghị lực vươn lên chiến thắng bệnh tật với những người đồng cảnh ngộ. Điều Nam lo sợ nhất bây giờ là trở thành gánh nặng cho những người thương yêu khi bệnh tật thêm nặng. Một điều lo sợ lớn hơn, kinh khủng hơn là mãi mãi không gặp được con trai. Ngày về của con chỉ là những hứa hẹn và bệnh tật của Nam thì không nói trước được điều gì. Nam chỉ biết tiếp tục viết, viết cho con trai đến hơi thở cuối cùng.

TRÀ GIANG

 

Câu chuyện phép màu của người bố trẻ ảnh 2
 

Con đến như một phép màu: Sách được viết như dạng thư nhật ký đong đầy tình yêu và nỗi nhớ thương của tác giả gửi cho con trai. Tác giả kể cho con chuyện tình yêu của cha mẹ, chuyện công việc, chuyện bảo vệ môi trường, chuyện âm nhạc... Qua các câu chuyện bạn đọc sẽ hình dung được cuộc sống, nghị lực của một người bố trẻ mang căn bệnh hiểm nghèo. Bạn đọc cũng chứng kiến cách mà người đàn ông này chiến đấu với sự tàn phá của bệnh tật, với những cơn đau, chứng khó thở rất phi thường. Và trên hết, vượt qua tất cả, người đàn ông này vẫn dành tình yêu, niềm hy vọng cho cuộc đời và cố gắng dành cho con trai những điều tốt đẹp nhất có thể.

Viết với tâm thế chỉ còn vài giờ để sống

Lê Hữu Nam dành từng hơi thở, sức lực với trái tim tật nguyền, cơ thể nhỏ bé của mình để chân thành nhìn ngắm, khai mở hết những nỗi niềm ẩn giấu. Nam đã dũng cảm viết những lời trọn vẹn cho đứa con trai mình ngày đêm trông ngóng trong tâm thế của kẻ chỉ còn vài giờ để sống. Tôi tin mỗi lời Nam viết luôn kèm nụ cười, nước mắt và cả những hình ảnh tưởng tượng khi con lớn khôn, đọc những gì cha mình viết cho. Nam chưa bao giờ là một nhà văn xuất sắc với tôi nhưng luôn là nguồn cảm hứng sống cho tôi mỗi khi gặp thất bại, nản lòng. Nam đã chinh phục tôi bằng những lời mộc mạc chân thành nhất trong văn chương.

Họa sĩ TRUNG NGHĨA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm