Đúng là cầu thủ Hà Nội không có lỗi nhưng ban tổ chức sân Hàng Đẫy do CLB Hà Nội chịu trách nhiệm điều hành và tổ chức buộc phải chịu trách nhiệm vì không làm đúng và làm đủ trách nhiệm trong trận đấu Hà Nội - Hải Phòng trên.
Theo báo cáo của giám sát và theo đại diện VPF cho biết thì tất cả báo cáo đã được gửi đến cho Ban kỷ luật VFF, trong đó có đề cập đến việc “phản ứng chậm” và thờ ơ với dự báo một trận đấu căng thẳng có thể xảy ra các tình huống xấu.
Rõ ràng các CĐV Hải Phòng có đủ mọi chiêu trò để mang pháo sáng vào sân nhưng theo VPF thì công tác an ninh trước và trong trận đấu rất kém. Thậm chí khi pháo sáng được ném xuống sân thì phản ứng của các lực lượng để ngăn chặn cũng rất bị động…
Án phạt đưa ra không phải phạt cầu thủ Hà Nội mà phạt ban tổ chức sân do CLB Hà Nội tổ chức và điều hành.
Tuy án phạt trên không sai với chủ sân, với CLB Hà Nội (có trong điều lệ và quy chế) nhưng lại không đủ với phía CLB Hải Phòng.
Không thể lấy lý do CĐV Hải Phòng không chịu thành lập Hội CĐV để rồi chỉ phạt tiền CLB này mà không có biện pháp răn đe hay chế tài. Cũng không thể lấy lý do vì diễn ra trên sân Hàng Đẫy nên chỉ treo sân Hàng Đẫy, còn CLB Hải Phòng thì không chịu trách nhiệm với các CĐV gây rối trên sân khách.
Bên cạnh đó, có một lý do tế nhị mà cả VFF lẫn VPF cần phải giải tỏa đó là việc “vừa đánh trống vừa thổi còi” khi ông chủ tịch CLB Hải Phòng cũng là phó chủ tịch VPF nên việc xử phạt rất dễ được châm chước hoặc vướng mắc “tình cảm”. Ngoài ra, có một câu hỏi cần đặt ra đó là trận cầu trên ai cũng dự báo rất căng thẳng, rất nhiều khả năng xảy ra sự cố, thế nhưng các lãnh đạo của VPF lẫn VFF đều vắng mặt rồi sự việc vỡ lở thì đưa ra hàng loạt lý do như nhà xa, con đau, mẹ ốm…
Phạt CLB Hà Nội thiếu trách nhiệm thì đúng nhưng còn hàng loạt thành viên, những bộ phận vô trách nhiệm vẫn được che đi thì rõ là bản án trên không công bằng.