Đó là sự chia sẻ của ông Lê Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam nhiệm kỳ (2018-2020).
Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam đã chính thức được Bộ Nội Vụ cấp phép và ra mắt tại tỉnh Bình Dương ngày 8-11. Tuy nhiên, ngay sau khi thành lập, đã có nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít người bàn tán cho rằng sao lại thành lập cái hội mang tên nghe “mất vệ sinh” như thế.
Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với "cha đẻ” của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam – ông Lê Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội.
. PV: Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã được ra đời dựa trên những căn cứ nào, thưa ông?
+ Ông Lê Văn Hiệp: Khoảng hơn 5 năm trước tôi bức xúc khi đi vệ sinh ở một số thành phố lớn thấy quá tệ nên đã quyết định nghiên cứu về vấn đề nhà vệ sinh. Tôi đã đi nhiều nước phát triển trên thế giới để tìm hiểu, khảo sát mô hình, thực trạng nhà vệ sinh của họ. Tôi thấy nhà vệ sinh các nước sạch sẽ, tiện nghi… nên sự đam mê nghiên cứu của tôi ngày càng lớn. Vì vậy, bốn năm trước tôi cũng tham gia Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới (World Toilet Organization) và làm đại diện cho tổ chức này ở Việt Nam.
'Cha đẻ' Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam giới thiệu bồn rửa tay tự động.
Sau đó, tôi đi thực tế, khảo sát ở hơn 40 tỉnh thành trên cả nước và thấy nhà vệ sinh ở những nơi công cộng các thành phố lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội và các trường học, bệnh viện, bến xe, ga tàu... hiện nay quá tệ, quá mất vệ sinh. Vì vậy, tôi đã xây dựng nhà vệ sinh chất lượng, thiết kế và vận hành nhà vệ sinh theo mô phỏng của tổ chức thế giới. Đề án khi xây dựng xong (khoảng 2 năm trước) đã được Bộ TN-MT rất ủng hộ. Sau đó, qua các hội thảo về môi trường thì Ban vận động cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan tổ chức.
. Cái tên “Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam” khiến nhiều người bàn tán và cho rằng “mất vệ sinh”, vậy khi quyết định đặt tên những thành viên trong Hội có đắn đo không?
+ Những người cười tên gọi của Hiệp hội cũng là vì họ thấy lạ. Lạ là vì một chuyện rất bình thường của con người nay lại đặt tên gọi cho hẳn một hiệp hội. Tôi không thấy bực mình vì người ta cười một tổ chức vừa ra mắt. Ngay từ lúc mới làm hồ sơ xin thành lập hội, nhiều người cũng khuyên tôi nên thay cái tên nhưng tôi nghĩ phải dùng chính xác từ “Nhà vệ sinh” để tác động trực tiếp đến mọi người.
Mục đích mà Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam hướng tới là thay đổi thực trạng nhà vệ sinh hiện nay, thay đổi ý thức sử dụng nhà vệ sinh của người Việt sao cho văn minh, lịch sự, không khạc nhổ, không phóng uế bừa bãi. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là “cùng chung tay vì vệ sinh” để thay đổi và nâng cao chất lượng cuộc sống.
. Thưa ông, đến thời điểm này Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam đã có bao nhiêu thành viên tham gia và đã bắt tay vào xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn quốc tế nào chưa?
+ Hiện nay đã có 134 tổ chức và cá nhân thành viên tham gia tham gia vào Ban vận động thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh trải khắp trong Nam ngoài Bắc.
Bên trong nhà vệ sinh công cộng tại Chùa Bà - Thủ Dầu Một.
Vừa rồi chúng tôi xây dựng nhà vệ sinh ở chùa Bà với kinh phí lên tới 1,7 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí đều do các thành viên của hiệp hội đầu tư xây dựng. Cách quản lý và vận hành cũng do Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam thực hiện.
Các du khách, người dân tới chùa Bà đều không tiếc lời khen ngợi khi sử dụng nhà vệ sinh mới. Sau Bình Dương, nhiều nơi tại các tỉnh thành đang được chúng tôi lên kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh. Vấn đề chỉ còn là thủ tục giấy tờ để hoàn thành.
Chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy tiến trình cải thiện chất lượng nhà vệ sinh, mục tiêu là 60% mật độ nhà vệ sinh ở các tỉnh phải được cải thiện chất lượng, miễn phí cho người dùng bằng cách vận động xã hội hóa, kêu gọi các nhà tài trợ và không dùng ngân sách nhà nước để xây dựng.
. Xin cám ơn ông.