Đó là những câu chuyện được chia sẻ trong buổi nói chuyện về chủ đề “Hạnh phúc là được sống trong môi trường an toàn” vào ngày 17-3. Chương trình do Hội quán Các bà mẹ tổ chức tại đường sách TP.HCM với sự tham gia của luật sư Lê Ngọc Luân, phóng viên Phạm An.
Đa số các diễn giả tham gia chương trình đều cho rằng muốn xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tránh bị xâm hại tình dục, các phụ huynh không nên để con một mình, xây dựng kỹ năng phòng vệ cho trẻ khi ở nhà, ở trường, ở ngoài xã hội…
Cha mẹ cần làm gì?
Phóng viên Phạm An, người từng tiếp xúc với nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại và làm việc với nhiều chuyên gia tâm lý về vấn đề này, chia sẻ:
Đầu tiên, cha mẹ cần tập cho trẻ biết cách tôn trọng bản thân mình.
“Cha mẹ có thể bày những trò chơi về sinh lý, có hình ảnh, hình vẽ. Mình chỉ cần đưa hình vẽ đó ra và chỉ cho con rằng đây là vùng không thể xâm phạm, là vùng không được cho ai chạm vào. Chính cha mẹ cũng cần tôn trọng thân thể của con, khi tắm cho con thì có thể hỏi con rằng mẹ có thể chạm vào cơ thể của con được không, cha có thể vệ sinh cho con được không để giúp trẻ có phản ứng rằng không phải ai cũng có thể chạm vào thân thể của trẻ. Hãy nói với trẻ rằng khi người lạ sờ vào người thì mạnh dạn hất tay họ ra... Những cách nhỏ nhỏ như vậy sẽ giúp bé có phản ứng ngay từ ban đầu với người lạ” - chị Phạm An chia sẻ.
Thứ hai, hãy khoanh vùng đối tượng trong môi trường xung quanh của con. Dặn con không cho ai áp sát quá gần mình.
“Khi quá gần nhau sẽ tạo ra những cảm giác gần gũi, lâu dần sẽ hình thành sự ham muốn. Nhiều gã chọn cách nuôi dưỡng từ từ cảm giác ham muốn đó bằng những đụng chạm vào cơ thể để bé quen dần. Sau này, khi bé lớn lên, đủ tuổi trưởng thành thì tự nguyện dâng luôn” - chị Phạm An nói.
Thứ ba, không nên bỏ trẻ một mình, không phó mặc cho nhà trường, cho bất cứ người nào dù có là người giữ trẻ đi nữa.
Phóng viên Phạm An chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: THANH TUYỀN
Chị Phạm An chia sẻ thêm rằng với trường hợp khi chuyện đã xảy ra rồi, hãy nói với con đây không phải là lỗi của con mà chỉ là một tai nạn. Vì rất nhiều bà mẹ khi đối mặt với chuyện này đã bị mặc cảm tội lỗi là tại mình không quản lý con kỹ, cảm thấy xấu hổ với hàng xóm, từ căng thẳng đó lại đổ lỗi cho con mình không biết giữ gìn. Chính cha mẹ cũng phải là người bình tĩnh để tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề của con.
Luật sư Lê Ngọc Luân trả lời câu hỏi của người đến dự tọa đàm. Ảnh: THANH TUYỀN
Luật sư Ngọc Luân cho rằng dù cha mẹ, ông bà có yêu thương con cháu ra sao cũng không nên đụng chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ. Nếu chúng ta đụng chạm thường xuyên sẽ vô tình tạo điều kiện cho những người ngoài kiếm cớ đụng vào các bộ phận đó của trẻ.
Khi ra xã hội, có người lạ đụng vào cơ quan sinh dục của bé thì vô tình bé cũng nghĩ đó là cách yêu thương giống như cha mẹ mình thì sẽ rất nguy hiểm cho trẻ, lúc này bé cũng mất khả năng phòng vệ trước người khác.
Cách xác định trẻ có bị xâm hại hay không
Nhiều năm tìm hiểu về các trường hợp trẻ bị xâm hại, thường xuyên làm việc với nhiều chuyên gia tâm lý về vấn đề này, chị Phạm An đã có những chia sẻ về cách xác định trẻ có bị xâm hại hay không.
Với trẻ còn nhỏ: Áp dụng trò chơi nhỏ mang tên người hàng xóm. Họ đưa cho bé bức ảnh của những người xung quanh và hỏi khéo rằng những người này đã sờ vào chỗ nào trên người bé, cho bé đánh dấu vào đó, hoặc có thể chơi với bé trò chơi xoa tay, xoa người, áp sát mặt... Cách này giúp họ xác định được bé đã bị xâm hại như thế nào.
Buổi tọa đàm nhằm hướng dẫn những cách thiết thực nhất mà cha mẹ có thể bảo vệ con mình. Ảnh: THANH TUYỀN
Với những bé ở cấp THCS thì chuyên viên tâm lý đưa cho các em một con búp bê không mặc đồ, những bé nào không dám nhìn vào con búp bê là những bé có nguy cơ và có thể đã bị xâm hại vì phản ứng sợ sệt từng trải qua cảm giác đó rất rõ, có những bé thì rất căm phẫn vì đã từng bị xâm hại khi nhìn vào con búp bê.
Với những bé lớn hơn, ở cấp THPT sẽ chơi trò chơi áp sát vào nhau, lần lượt cho nam và nữ nói nhỏ vào tai nhau. Có những bạn nữ sợ, đẩy bạn nam ra, có những bạn nam thì nhất quyết không chơi và tỏ ra bực mình; những trường hợp như vậy cũng cho thấy các em đã trải qua cảm giác bị xâm hại nên cảm thấy sợ khi ai đó áp sát vào mình.
Người đến tham gia chương trình hỏi những vấn đề liên quan đến xâm hại tình dục. Ảnh: THANH TUYỀN
Theo luật sư Luân, trước khi nói đến quy định của luật pháp, các bậc làm cha, làm mẹ hãy biết cách tự bảo vệ cho con mình bằng việc xây dựng những môi trường sống an toàn cho trẻ, xây dựng cho trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ tối thiểu khi có những sự đụng chạm thân thể từ những người xung quanh.