Cháy rụi hàng hóa, dẫn đến kiện tụng
Ngày 8-8-2010, tại khu vực kho của Công ty Hữu Nghị xảy ra vụ cháy lớn làm tiêu hủy toàn bộ hàng hóa, tài sản của Công ty Việt Nhật 2 và ba đối tác nằm trên phần diện tích mà Công ty Việt Nhật 2 đã thuê của Công ty Hữu Nghị.
Sau đó, Công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng) khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định. Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), vùng cháy đầu tiên là bên trong phòng lưu mẫu nằm ở phía đông nhà kho thuộc Công ty Hữu Nghị. Nguyên nhân cháy là do chập điện trên đường dây dẫn điện cấp cho hệ thống chiếu sáng ở khu vực giữa phòng lưu mẫu làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh. Do không có dấu hiệu phạm tội nên Công an quận Sơn Trà đã không khởi tố vụ án.
Công ty Việt Nhật 2 liên hệ với hai đơn vị giám định để giám định hàng hóa bị cháy, sau đó yêu cầu Bảo hiểm Bảo Việt chi trả nhưng phía bảo hiểm từ chối bồi thường vì không nằm trong danh mục bảo hiểm. Cho rằng Công ty Hữu Nghị là đơn vị quản lý nguồn điện phải chịu trách nhiệm chi trả thiệt hại, Công ty Việt Nhật 2 đã khởi kiện yêu cầu TAND quận Sơn Trà buộc Công ty Hữu Nghị bồi thường tổng cộng gần 17 tỉ đồng cho Công ty Việt Nhật 2 và các đối tác. Phía Công ty Hữu Nghị thì không đồng tình, cho rằng vụ cháy xảy ra thuộc trường hợp bất khả kháng, không do yếu tố con người gây ra…
Hai bản án sơ thẩm đều bị hủy
Xử sơ thẩm lần đầu, tháng 10-2013, TAND quận Sơn Trà đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Việt Nhật 2. Riêng khoản bồi thường, tòa buộc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Việt Nhật 2 gần 16 tỉ đồng...
Sau đó, VKS quận kháng nghị, Công ty Việt Nhật 2 kháng cáo vì cho rằng Công ty Việt Nhật 2 khởi kiện Công ty Hữu Nghị mà tòa lại tuyên Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam trả tiền là sai đối tượng, vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Phía bảo hiểm cũng kháng cáo, không chấp nhận bồi thường. Sau đó xử phúc thẩm, TAND TP Đà Nẵng đã chấp nhận các kháng nghị, kháng cáo, tuyên hủy án sơ thẩm.
Tháng 5-2015, TAND quận Sơn Trà xử sơ thẩm lần hai đã xác định Công ty Hữu Nghị là chủ sở hữu nguồn điện nguy hiểm cao độ - hệ thống tải điện cấp cho hệ thống chiếu sáng ở khu vực giữa phòng lưu mẫu của Công ty Hữu Nghị. Theo kết luận giám định, nguyên nhân của vụ cháy là do chập điện trên đường dây dẫn điện cấp cho hệ thống chiếu sáng ở khu vực giữa phòng lưu mẫu làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh. Điều này chứng tỏ tại thời điểm xảy ra cháy, trên đường dây dẫn điện cấp cho hệ thống chiếu sáng ở khu vực phòng lưu mẫu vẫn để lưu điện. Phía Công ty Hữu Nghị chưa trang bị hệ thống báo cháy tự động nên không phát hiện kịp thời khi xảy ra vụ cháy. Như vậy, thiệt hại xảy ra không thuộc lỗi của người bị thiệt hại, không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết nên chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại. Từ đó, tòa đã tuyên buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn hơn 15 tỉ đồng.
Bản án này sau đó tiếp tục bị VKSND quận Sơn Trà kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng. Nguyên đơn và bị đơn cũng có đơn kháng cáo.
Mới đây, xử phúc thẩm lần hai TAND TP Đà Nẵng cũng xác định lỗi để xảy ra vụ cháy thuộc về phía bị đơn vì là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, khi sử dụng phải đảm bảo an toàn, phải trang bị hệ thống báo cháy để ngăn ngừa kịp thời nhưng lại chủ quan dẫn đến hỏa hoạn. Tuy nhiên, theo tòa phúc thẩm, tại phiên sơ thẩm, phía bị đơn đã không đồng ý với kết quả giám định mà phía nguyên đơn cung cấp nên yêu cầu hoãn xử để giám định lại. Lẽ ra tòa sơ thẩm phải hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định thì lại tiếp tục xét xử và căn cứ vào giám định trên để tuyên buộc bồi thường là chưa đủ cơ sở… Từ đó, tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, tiếp tục hủy án sơ thẩm.
Giám định lại là cần thiết? Theo Thẩm phán Võ Thị Phước Hòa (TAND quận Sơn Trà, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lần hai), việc giám định lại trong vụ án chỉ dựa vào giấy tờ, hóa đơn mà đương sự cung cấp chứ tài sản thực tế đều đã bị cháy. Thêm nữa, ngay sau khi xảy ra vụ cháy, hai cơ quan giám định đã tiến hành giám định rồi. Thời điểm đó giám định sẽ cho ra kết quả chính xác hơn, nay nếu giám định lại thì rất khó có kết quả chính xác… Tuy nhiên, một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP Đà Nẵng lại cho rằng thời điểm giám định trước đây cũng chỉ dựa trên giấy tờ, trong khi kết quả giám định của nguyên đơn cung cấp có trước khi khởi kiện, nghĩa là trước quá trình tố tụng. Như vậy, việc bị đơn không đồng ý với kết quả giám định này là có cơ sở nên yêu cầu giám định lại của họ cần phải được chấp nhận. Quy định liên quan Khoản 3 Điều 623 BLDS 2005 và Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đều quy định chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: - Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. - Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. |