Một đội tuyển U-23 Việt Nam sẽ mạnh và tự tin trong kế hoạch săn vé đi Olympic Tokyo nếu hội tụ đủ các cầu thủ hai biên chế đội tuyển và U-23. Đó là những Tiến Linh, Văn Hậu, Quang Hải, Thành Chung…
Một cá nhân dù hay nhưng vắng mặt chưa hẳn là vấn đề lớn của cả đội và HLV. Nhưng ở đây, trường hợp của Đoàn Văn Hậu là một vấn đề có thể khiến HLV Park Hang-seo phải suy nghĩ nhiều.
Vòng chung kết U-23 châu Á diễn ra từ ngày 8 đến 26-1-2020, tức thời điểm mà bóng đá châu Âu, cụ thể là Hà Lan đang thi đấu giải, liệu Văn Hậu có được đặc cách về khoác áo U-23 hay không? Nếu trong bản hợp đồng giữa Đoàn Văn Hậu và CLB Heerenveen có điều khoản cho Văn Hậu về khoác áo U-23 thì quá tuyệt vời.
Đoàn Văn Hậu là một cá nhân của một trò chơi tập thể nhưng Hậu là một “hòn đá tảng” ở U-23 Việt Nam. Công thủ toàn diện, phòng ngự quyết liệt, chắc chắn, đánh chặn từ hành lang trái rất ấn tượng, lại có thể tham gia tấn công và thực hiện những đường chuyền thành bàn lẫn sút xa ăn bàn trực tiếp rất ấn tượng.
Vấn đề Văn Hậu là bài toán nan giải của “đội hình 1” U-23 Việt Nam.
Còn với những Tiến Linh, Quang Hải, bây giờ chỉ việc giữ gìn phong độ cao cho vòng chung kết U-23.
Thực tế, sức mạnh được trông chờ của U-23 Việt Nam ở vòng chung kết phụ thuộc rất lớn vào những cầu thủ U nhưng “ăn cơm” đội tuyển vì họ giàu bản lĩnh, kinh nghiệm và là chỗ dựa tinh thần của toàn đội. Họ chính là những nhân tố đóng nhiều vai trò trên sân cả về mặt chuyên môn lẫn tinh thần.
Nếu khiếm khuyết những vị trí của những cầu thủ hai biên chế, sức mạnh của U-23 Việt Nam sẽ giảm sút. Vòng chung kết U-23 châu Á lại là sân chơi châu lục, không có chỗ cho những tập thể non kinh nghiệm và yếu sức.