Chạy đua công nghệ với Mỹ, mục tiêu của Trung Quốc có khả thi?

Bên cạnh các mục tiêu kinh tế, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình mong muốn xây dựng một TQ “tự lực” về khoa học công nghệ (KHCN) để từ đó vươn ra chiếm lĩnh và dẫn dắt thị trường thế giới. Tham vọng này đặt ra không ít thách thức đối với vị thế của Mỹ trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Gian hàng Tập đoàn Công nghệ điện tử TQ - một trong hai doanh nghiệp
nhà nước trong thương vụ sáp nhập hôm 23-6 - trong một triển lãm quốc tế năm 2018. Ảnh: 81IT.com (TQ)

TQ muốn “tự chủ” trong nước để vươn ra thế giới

Những năm qua, những phát biểu về “tự lực đổi mới sáng tạo” về các “kỹ thuật cốt lõi” hay mục tiêu “siêu cường trên không gian mạng” được các lãnh đạo TQ nhắc tới ngày càng thường xuyên, cho thấy “tự chủ” về KHCN đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh.

Trong kế hoạch Made in China 2025 (Chế tạo tại TQ năm 2025), Bắc Kinh muốn tự chủ 70% ở các ngành công nghệ cao và hướng tới chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Còn kế hoạch China Standard 2035 (Tiêu chuẩn TQ năm 2035) được vạch ra để giúp các công ty nước này trở thành bên thiết lập tiêu chuẩn cho các công nghệ mới.

Trong kế hoạch năm năm 2021-2025, TQ đã xác định bảy lĩnh vực “tiền tuyến” cần tăng tính “tự lực” như tin học lượng tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ gen và vi sinh... Hôm 5-3, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường nhấn mạnh vai trò của các ngành này, đồng thời cho biết trong năm năm tới, Bắc Kinh sẽ tăng đầu tư nghiên cứu và phát triển trung bình hơn 7%/năm.

Hôm 28-5, ông Tập một lần nữa nhắc tới sự “tự lực” về KHCN, coi đây là “sự hỗ trợ chiến lược” để phát triển đất nước, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã. Sau đó ba ngày, Bắc Kinh ban hành hướng dẫn mới để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain để “nâng cao khả năng cạnh tranh trong cuộc đua kinh tế toàn cầu” và vươn lên dẫn đầu thế giới vào năm 2025. Tuần qua, giới chức Bắc Kinh chấp thuận sáp nhập hai công ty nhà nước trong lĩnh vực khoa học máy tính, điện tử - viễn thông… trở thành một doanh nghiệp có tính cạnh tranh cao hơn trên trường thế giới.

TQ có cơ sở để đặt tham vọng nhưng cũng gặp nhiều trở ngại

TQ có dân số đứng đầu thế giới với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tạo ra thị trường khổng lồ. Nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ đã tạo ra ưu thế cho “công xưởng của thế giới” trong suốt 11 năm qua.

TQ lồng ghép các mục tiêu KHCN trong một hệ thống các kế hoạch phức tạp, nổi bật là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) hay Con đường tơ lụa kỹ thuật số. Bắc Kinh cũng xúc tiến ký kết thỏa thuận thương mại với các nước châu Á - Thái Bình Dương và Liên minh châu Âu (EU).

Bà Ferial Ara Saeed, cựu cố vấn chính sách châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng các liên kết thương mại của TQ với thế giới sẽ khiến Washington gặp khó khăn hơn nếu muốn xây dựng các liên minh đối phó Bắc Kinh.

Ngoài ra, việc chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump liệt các công ty công nghệ TQ vào danh sách đen đã vô tình khiến các đối tác chuyển nguồn vốn và nguồn nhân lực sang các nước là đối thủ cạnh tranh của Washington để tránh bị trừng phạt, trong khi doanh nghiệp Mỹ mất đi những bạn hàng lớn đến từ TQ.

Tuy nhiên, bà Saeed đánh giá các mục tiêu của TQ là “tham vọng”. Chuyên gia này lưu ý rằng các động lực tăng trưởng cũ của nền kinh tế TQ đang yếu dần, trong khi nước này đã bước sang giai đoạn già hóa dân số. Tâm lý nghi ngờ TQ vẫn tiếp tục lan rộng trong khi Bắc Kinh đối mặt với hàng loạt cáo buộc vi phạm các nguyên tắc tự do, bản quyền thương mại.

Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) còn cảnh báo TQ về nguy cơ bất ổn tài chính, nhất là khi tỉ lệ nợ trên tổng tài sản quốc nội (GDP) đã tăng đáng kể sau đại dịch COVID-19. Do đó, Bắc Kinh được cho là cần cải cách thị trường trên diện rộng để sử dụng nguồn vốn và nhân công hiệu quả hơn - bà Saeed nhận định.

Trong khi đó, ông Zak Dychtwald, chuyên gia nghiên cứu bản sắc TQ và là người sáng lập một tổ chức tại Mỹ chuyên tư vấn về TQ, viết trên tạp chí Harvard Business Review rằng trong ngắn hạn, TQ sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế về dân số và năng lực sản xuất, “sẵn sàng dẫn đầu trong cuộc chạy đua đổi mới sáng tạo”.•

TQ dẫn đầu thế giới, gần gấp đôi Mỹ về số bằng sáng chế liên quan tới công nghệ lượng tử.

Hãng phân tích dữ liệu VALUENEX (Nhật)

Tương lai của nền kinh tế TQ nằm ở đổi mới sáng tạo và mỗi người ở TQ đều biết điều này.

Chuyên gia ZAK DYCHTWALD

Mỹ cần học hỏi Trung Quốc để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ

Theo Viện Brookings (Mỹ), chiến lược nghiên cứu và phát triển của TQ trong khoảng 20 năm qua đã chỉ ra một số bài học mà Mỹ cần xem xét kỹ lưỡng.

TQ đã để các quy luật thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Nhờ đó, nước này tận dụng tốt hơn các lợi thế so sánh trong nước, trong đó có gồm cả nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ, cũng như chia thị trường thành các phân khúc để phục vụ tốt hơn cho từng nhóm người tiêu dùng.

Chính quyền Bắc Kinh đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển trong nước, bao gồm phát triển KHCN, nhờ các nỗ lực được điều phối tốt để các bộ, ngành, các doanh nghiệp và giới nghiên cứu. Biểu hiện nổi bật nhất là việc nước này phát triển được 25.000 km đường sắt cao tốc chỉ trong vòng 11 năm để kết nối các địa phương trên khắp TQ.

Viện Brookings phân tích rằng các quy luật thị trường giúp nâng cao tinh thần kinh doanh, trong khi vai trò của nhà nước “có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế liên tục”. Tổ chức nghiên cứu chính sách này cho rằng TQ đã thành công khi đặt ra kế hoạch dài hạn và xây dựng các biện pháp khuyến khích hướng tới mục tiêu, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng và KHCN.

Viện Brookings nhấn mạnh rằng TQ đã thành công nhờ áp dụng kinh nghiệm về vai trò của quy luật thị trường nên Washington cần bỏ qua sự tự mãn và học hỏi sự phát triển và tầm nhìn dài hạn của Bắc Kinh. VĂN KIẾM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm