Trước tình hình trên, Bí thư Huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện Đô Lương đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy rừng. Huyện Đô Lương đã huy động hơn 1.000 người gồm lực lượng bộ đội Sư đoàn 324, Công an huyện, Huyện đội, dân quân tự vệ, lực lượng Cảnh sát PCCC số 5 thuộc Sở Cảnh sát PCCC Nghệ An và người dân đến dập lửa.
Cho đến chiều tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế được lửa trên các cánh rừng thông. Tuy nhiên nhiều ha rừng, rừng thông đang cho lấy nhựa đã bị thiêu rụi.
Trước đó, chiều 27-5, cũng đã xảy ra vụ cháy rừng thuộc động Tù Và, xã Công Thành (huyện Yên Thành) khiến 1ha rừng tràm bị cháy hỏng.
Ngày 24 và 25-5, đã liên tiếp xảy ra cháy rừng thông ở Núi Đụn (giáp ranh giữa hai huyện Nam Đàn và Thanh Chương, Nghệ An). Do thời tiết nắng nóng, khô hanh, công thêm gió Lào thổi mạnh nên ngọn lửa bùng phát rất nhanh, công tác dập lửa gặp khó khăn. Huyện Nam Đàn đã huy động lực lượng trong huyện và Lữ đoàn Công binh 414 đến tham gia chữa cháy, đồng thời hủy bỏ tất cả các cuộc họp để tập trung chữa cháy. Tuy nhiên nhiều ha rừng đã bị cháy rụi.
Theo Cục Kiểm lâm, nhiều khu vực ở tỉnh Bình Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Long An, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị đang ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), do những ngày không mưa, thời tiết hanh khô kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ở các khu vực trên nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh. Do vậy, Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 yêu cầu Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng, UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương có cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.