Trước hết phải khẳng định bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An sửa án sơ thẩm của TAND huyện Cần Đước nhưng không thu thập đủ chứng cứ để xác định tình trạng tài sản trên phần đất tranh chấp là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do vậy có căn cứ để kháng nghị bản án phúc thẩm này theo trình tự giám đốc thẩm.
Về việc tái thẩm, Điều 305 BLTTDS quy định bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án; có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ; thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.
Các tình tiết trong vụ án không thuộc trường hợp: “Đương sự không thể biết...” và cũng không thuộc các trường hợp khác để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm nên theo tôi vụ này không có căn cứ để kháng nghị bản án theo trình tự tái thẩm.
Thứ hai về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực từ năm 2003, quá trình thi hành án (THA) đã phát hiện sai sót. Nhưng đến năm 2011, cơ quan THA mới đề nghị xem xét lại là đã quá thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 288 BLTTDS: “Ba năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật”. Đây là một điều hết sức đáng tiếc. Việc để bản án có hiệu lực pháp luật có vi phạm quá thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm này thuộc về lỗi của ba chủ thể. Thứ nhất là đương sự do không có khiếu nại kịp thời, thứ hai là cơ quan THA không kiến nghị kịp thời và thứ ba là lỗi của cơ quan có thẩm quyền xem xét giám đốc thẩm (theo quy định các bản án phúc thẩm xử xong đều được gửi cho cấp có thẩm quyền để xem xét giám đốc thẩm).
Việc TAND Tối cao đã thụ lý khiếu nại và có văn bản yêu cầu xác minh năm 2012 nhưng sau khi nhận được hồ sơ lại không giải quyết hoặc không trả lời kết quả giải quyết cho đương sự và THA là có sai sót về thời hạn giải quyết khiếu nại. Do vậy đây cũng là vấn đề mà TAND Tối cao cần rút kinh nghiệm và cần giải quyết ngay theo quy định của pháp luật.
Theo tôi, để sớm giải quyết vụ án, cơ quan THA cần triệu tập các bên đương sự và phân tích cho họ tình trạng pháp lý của vụ việc: Hiện không thể THA được nhưng thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm cũng đã hết, không có căn cứ để kháng nghị tái thẩm. Đặc biệt, cơ quan THA cần phân tích cho phía được THA hiểu rằng mặc dù họ thắng kiện nhưng việc cưỡng chế bốc các ngôi mộ để trả đất cho họ là việc không thể làm trên thực tế. Từ đó, cơ quan THA cần thuyết phục hai bên thỏa thuận trong giai đoạn THA theo hướng bên phải THA trả một phần hoặc toàn bộ giá trị đất có mộ và nhà cho bên được THA đồng thời hướng dẫn cho họ làm các thủ tục công nhận quyền sử dụng đất (nếu thỏa thuận được). Theo tôi, đây là cách giải quyết tốt nhất hiện nay có lợi cho cả hai bên đương sự và cơ quan THA cũng không bị khó xử.
12 năm chưa thể THA Pháp Luật TP.HCM ngày 4-7 có bài phản ánh ông Ngộ và bà Hoa (ngụ cùng huyện Cần Đước, Long An) đưa nhau ra tòa tranh chấp khu đất có nhiều ngôi mộ cổ của họ tộc. Tháng 3-2003, xử sơ thẩm tòa tuyên giao cho bà Hoa tiếp tục quản lý khu nghĩa địa của gia tộc. Bốn tháng sau, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Long An chấp nhận một phần yêu cầu của ông Ngộ, sửa án sơ thẩm, tạm giao cho ông Ngộ một phần đất trong khu đất nghĩa địa nói trên. Nhưng bản án không đề cập đến ranh đất đi qua phần mồ mả, trong khi đó Chi cục THA dân sự huyện Cần Đước đo đạc thực tế đất để giao cho bên nguyên đơn thì ranh lại đi qua khu mồ mả lớn của gia tộc bên bị đơn. Cho rằng đây là tình tiết mới xuất hiện, THA có công văn gửi chánh án TAND Tối cao đề nghị kháng nghị tái thẩm. Năm 2012, cơ quan này đề nghị THA chuyển hồ sơ lên. Nhưng ba năm qua THA chưa nhận được hồi âm gì khiến các bên đương sự thì khổ sở, đổ bệnh… |