Chia sẻ link bài báo lên Facebook có bị phạt?

Hành vi “cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ…” có thể bị phạt 5-10 triệu đồng (đối với cá nhân), 10-20 triệu đồng (đối với tổ chức).

Quy định này nằm ở điểm đ khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020.

Phải có yếu tố lợi dụng

Việc chia sẻ các bài báo trên mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo… mà từ trước đến nay có không ít người làm với mục đích chia sẻ những thông tin bổ ích cho nhiều người biết đến.

Thế nhưng nhiều người không rõ việc chia sẻ link bài báo như lâu nay thì kể từ ngày 15-4 (ngày Nghị định 15/2020 có hiệu lực), người chia sẻ có bị xử phạt hay không.

TS Cao Vũ Minh, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ thì “nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả” là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Tuy nhiên, cần lưu ý trong cấu thành của vi phạm này phải thể hiện yếu tố “lợi dụng MXH”.

“Tất nhiên, khi xử phạt, người có thẩm quyền phải chứng minh thế nào là lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. 

So với Nghị định 174/2013 trước đó thì đây là một nội dung mới của Nghị định 15/2020” - TS Minh nhận định.

Nếu đưa bài báo lên hoặc trích dẫn có dẫn nguồn và chia sẻ bình thường thì không bị xử phạt.  Ảnh: HOÀNG GIANG

Chỉ phạt nếu suy diễn

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng: “Hiện nay, trên các trang báo điện tử thường để sẵn các nút chia sẻ như Zalo, Facebook… để người đọc dễ dàng chia sẻ trên các trang MXH. Mục đích của việc làm này nhằm mục đích tác phẩm báo chí của mình được nhiều người biết đến.

Nên chăng tờ báo nào không muốn bài báo của mình bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì khóa nút chia sẻ lại để người đọc không bị dính bẫy”.

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về chia sẻ đường link bài báo trên MXH, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra phụ trách - Thanh tra Bộ TT&TT, cho biết đó là việc bình thường và không bị xử lý.

“Nếu như một bài báo bị ai đó đưa lên mạng và bị sửa một vài ý để thành ra ý khác, suy diễn cho nội dung khác đi, không đúng với bản chất của bài báo nữa thì chắc chắn bị xử phạt.

Còn nếu đưa bài báo lên hoặc trích dẫn có dẫn nguồn và chia sẻ bình thường thì không bị xử phạt” - ông Trí nói.

Được phép chia sẻ link bài báo

Chia sẻ link bài báo lên Facebook có bị phạt? ảnh 2
 

Việc cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí được hiểu là các hành vi như sao chép các tin, bài hoặc cung cấp đường dẫn tới các tin, bài của cơ quan báo chí đã đăng tải.

Tại Điều 15 của luật này quy định “tin tức thời sự thuần túy” không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo.

Bên cạnh đó, Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ đã có quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả có bao gồm tác phẩm báo chí và tác phẩm này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Hiện nay, chúng ta thấy rất nhiều tin, bài trên các báo không chỉ là đưa tin thuần túy mà người viết đã bổ sung, đưa thêm vào các nội dung, hình ảnh ấn tượng, cuốn hút, mang tính sáng tạo nên được coi là những sản phẩm tin tức có tính sáng tạo, không còn là tin tức thuần túy.

Do đó, khi sao chép các bài báo này, nếu trích dẫn link bài báo với mục đích cá nhân như nghiên cứu, chia sẻ thông tin... thì được phép nhưng phải đảm bảo giữ nguyên ý của tác giả.

Trong nghị định cũng có nhắc đến hành vi lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật… Từ lợi dụng là một từ hay sử dụng trong đời thường, ví dụ như nếu sử dụng với mục đích tốt người ta không dùng từ lợi dụng, còn sử dụng với mục đích xấu thì hay được dùng lợi dụng.

Ông NGUYỄN THÀNH CHUNGPhó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm