Tôi nổi hết gai ốc khi nghe Văn Sỹ Hùng nói trong nghẹn ngào: “Trước lúc ra đi, bố Chi nhà em chỉ có một ước nguyện được mặc bộ quân phục với quân hàm Thượng úy. Và ông đã toại nguyện rồi nhắm mắt thanh thản…”.
Chiếc áo lính đấy với ông là một kỷ vật từ thời còn khoác áo Thể Công bôn ba khắp các giải đấu. Một số 10 bất tử theo cách nói của cựu tiền vệ Thể Công một thời Vũ Mạnh Hải cũng là lứa đàn em của ông Văn Sỹ Chi.
Cựu danh thủ Văn Sỹ Chi (ngồi giữa) trong những năm 1960 ngang dọc một thời với chiếc áo “số 10 bất tử”. Ảnh: TƯ LIỆU
Hơn ai hết, tôi hiểu về chiếc áo lính mà cuối đời ông Văn Sỹ Chi ao ước được khoác lên mình trước khi nhắm mắt. Bởi có lần về Nghệ An, được ông mặc chiếc áo lính đấy đến tận sân Vinh đón về khu nhà tầng B3 xập xệ ở phường Quang Trung dùng bữa cơm gia đình. Khoác chiếc áo lính sờn vai, bạc màu đấy, ông tự hào nhắc đến hai chữ Thể Công mà ông từng phục vụ tại đấy suốt cả đời đá bóng. Ông say xưa đến độ các con cứ thay nhau nhắc: “Bố mời anh đến dùng bữa cơm gia đình hay để nghe bố kể chuyện anh lính Văn Sỹ Chi đi đá bóng?”…
Sau này ngồi chia sẻ với các con ông như Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy… vẫn thường nghe các em tự hào về bố: “Bố Chi tụi em sống với những ký ức thời áo lính mà ông hết mình cho bóng đá. Sau này khi đi đá bóng, bôn ba khắp nơi, đi đâu cũng nghe các chú, các bác cùng thời kể về bố Chi khiến tụi em tự hào về bố lắm. Họ nói ông là quái kiệt, là danh thủ lẫy lừng của bóng đá Việt Nam những năm 1960, là cây săn bàn đặc biệt của Thể Công với chiếc áo số 10 mà chú Vũ Mạnh Hải bảo là số 10 bất tử…”.
Nếu Thể Công có Ba Đẻn (Nguyễn Thế Anh) từng ghi bàn vào lưới Bát Nhất (đội Quân đội Trung Quốc) ngay trên sân Bắc Kinh bằng cú bay người sát mặt cỏ đánh đầu đưa cả người lẫn bóng cùng cuộn vào lưới (sau phá bóng đấy một nửa bên mặt của Ba Đẻn rướm máu xen lẫn với đất và vôi), thì thế hệ đàn anh có anh lính Văn Sỹ Chi năm 1961 từng sút tung lưới Bát Nhất tại Trung Quốc bằng bàn thắng ngoạn mục.
Các đồng đội ông Văn Sỹ Chi kể lại năm 1961, Thể Công đi tập huấn ở CHDC Đức trở về ghé qua Trung Quốc thi đấu với Bát Nhất. Trận thắng trên sân khách trước đối thủ trên cơ tạo ra cú sốc lớn cho giới bóng đá Trung Quốc. Và bàn thắng lịch sử đó được ghi bởi số 10 Văn Sỹ Chi với cú lốp bóng ở gần giữa sâ khi thoáng thấy thủ môn Bát Nhất khinh địch lên đến gần vạch 16m50. Chính vì trận thua đó mà Bát Nhất quyết phục hận trong trận đấu lại đúng dịp 22-12-1961 trên sân Hàng Đẫy. Thế nhưng Văn Sỹ Chi và các đồng đội đã không cho Bát Nhất cơ hội phục hận. Trận đấu lại đấy hòa 1-1 và người mở tỉ số lại vẫn là Văn Sỹ Chi sau cú đột phá ngoạn mục “xỏ lỗ” cả trung vệ nổi tiếng của Bát Nhất thời bấy giờ là Tôn Nguyên Văn.
Văn Sỹ Hùng chuyển qua nghiệp HLV nhưng có những lúc vẫn cùng bố “ra sân” cùng gắn bó với nhau trong khu kỹ thuật. Ảnh: TƯ LIỆU
Một năm sau, trong giải vô địch miền Bắc, Thể Công vô địch tuyệt đối và Văn Sỹ Chi đoạt giải vua phá lưới với 65 bàn thắng. Một kỷ lục mà đến nay chưa ai phá được!
Lại nhớ đến bữa cơm gia đình cùng ông và các con ông cũng nối nghiệp cầu thủ bôn ba trong nhiều màu áo. Khi nhắc đến hai bàn thắng của Văn Sỹ Hùng ghi trên sân Seneyan của Indonesia trong trận hòa 2-2 với chủ nhà tại SEA Games 19 – 1997, thấy ông rướm nước mắt rồi liên kết qua từng thời điểm gắn với thời chiếc áo lính. Ông hay dùng từ “Hùng nhà ta” để nói về người con thành đạt nhất trong đời cầu thủ mà ông có 5 người con trai đều nối nghiệp bố. Ông nhắc đến cái sân Seneyan mà con trai ông ghi bàn và nhớ lại ký ức của chính ông như một phần lịch sử mà hai cha con ông cùng có chung một bản sao tại đất Indonesia và cái sân Seneyan. Đó là năm 1963, đội bóng đá miền Bắc Việt Nam dự giải GANEFO tại Indonesia đúng dịp khánh thành sân Seneyan hơn 100 ngàn chỗ ngồi. Trong trận quyết định buộc phải thắng Campuchia khi tỉ số đang là 2-2 và thủ môn Campuchia lúc đấy như lên đồng vô hiệu hóa các cú sút của Hoàng Kính Dịp, Lê Thế Thọ, Trần Duy Long… thì đến phút 89, Văn Sỹ Chi vừa tránh được cú đạp thẳng vào chân của đối phương vừa khống chế bóng bằng ngực, xoay người sút vô lê thật đưa quả bóng đôi tung nóc lưới ấn định tỉ số 3-2. Trận thắng đưa Việt Nam vào chung kết và hôm sau, tất cả báo chí Indonesia đều đăng hình Văn Sỹ Chi với cú “quăng chân” hiểm hóc.
“Tôi không ngờ rằng 34 năm sau cũng tại đất Indonesia và vẫn lại cái sân đấy, con trai tôi là Văn Sỹ Hùng đã ghi hai bàn thắng ngoạn mục trong trận hòa 2-2 của Việt Nam trước chủ nhà Indonesia khiến hơn 100 ngàn khán giải Indonesia chết lặng còn ở quê nhà thì khắp mọi nơi người ta xuống đường như trẩy hội và nhà tôi xóm giềng kéo đến kín cả chung cư để chức mừng…”. Kể đến đấy, ông lại kéo vạt chiếc áo lính lên lau những dòng nước mắt hạnh phúc…
Văn Sỹ Hùng với hai bàn thắng để đời trên sân Seneyan, Indonesia tại SEA Games 19 – 1997 nhắc nhở kỷ niệm 34 năm trước cha anh đã ghi bàn lịch sử cũng tại đấy. Ảnh: TƯ LIỆU
* * *
Cựu tuyển thủ Văn Sỹ Chi qua đời tại quê nhà Nghệ An, hưởng thọ 85 tuổi. Trong đám tang của ông, những người anh em, đồng nghiệp từ Thể Công, Công An Thanh Hoá, Sông Lam Nghệ an và cả đội bóng trẻ Viettel đến viếng và tiễn đưa ông. Câu chuyện về chiếc áo lính của ông chắc chắn sẽ được những thế hệ con cháu hôm nay lưu giữ đặc biệt là các cầu thủ Viettel từng là một phần của Thể Công ngày nào.
Xin gởi lời chia buồn đến các HLV Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn và các cựu cầu thủ Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Linh và gia đình người cựu danh thủ đáng kính.
(Bài viết có sử dụng tư liệu của các cựu tuyển thủ Thể Công).