Hơn nửa thế kỷ về trước, nền bóng đá Nhật rất nhỏ bé so với Việt Nam và ngay sau trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam với Nhật trên sân Cộng Hòa (sau này đổi tên là sân Thống Nhất), cả hai đội bóng cùng các cơ quan ngoại giao Nhật tại Tòa Khâm sứ (bây giờ là vị trí Cung Văn hóa lao động), vị đại sứ Nhật đã tặng lãnh đạo đoàn bóng đá Việt Nam “chiếc giày nhỏ” với ngụ ý bóng đá Nhật còn quá nhỏ bé so với bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ.
Công Phượng trong ngày ra mắt với chiếc áo số 16 đá giải J-League 2. Ảnh: XUÂN HUY
* * *
Bây giờ thì bóng đá Nhật không còn là giày nhỏ nữa. J-League của Nhật ra đời năm 1993 thì năm năm sau, đội tuyển Nhật có mặt tại France 98 và từ đó đến nay họ không vắng mặt lần nào tại các vòng chung kết World Cup. Những năm đầu bóng đá Nhật mạnh lên, thế hệ hâm mộ bóng đá Nhật hiện vẫn là những cái tên đầu tiên của Nhật sang châu Âu thi đấu như Kazu Miura (bây giờ vẫn đang đá J-League 2) đến Nakata, Nakamura… Và cho đến hôm nay thì vài chục cầu thủ Nhật đầu quân tại các CLB mạnh châu Âu. Còn J-League 1 là giải đấu hàng đầu châu Á nằm trong tốp 20 thế giới.
* * *
Chiều 23-12, Chủ tịch CLB Mito Hollyhock trao cho Công Phượng chiếc áo may mắn số 16, hy vọng Công Phượng may mắn trong màu áo J-League 2 của Nhật. Cũng buổi chiều diễn ra lễ ký kết giữa CLB Mito Hollydock với Công Phượng ấy, cánh báo chí nhìn thấy vị chủ tịch của CLB Mito - ông Kunito thật điềm đạm. Ông chỉ nhìn khán phòng cười cười, nhìn Công Phượng cười cười. Khi được mời phát biểu thì ông Kunito chỉ động viên và mong muốn Công Phượng thành công với bóng đá Nhật, đồng thời gửi gắm chiếc áo đấu “số 16” cho tiền đạo trẻ của Việt Nam. Một hình ảnh trái ngược với hơn 50 năm về trước qua những câu chuyện của cựu danh thủ Tam Lang kể về bóng đá Nhật nhỏ bé mon men được “làm quen” bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ.
Trong khi bóng đá Nhật trỗi dậy vì lòng tự ái thì hy vọng bóng đá Việt Nam trong quá trình vượt khó còn là bài học từ “chiếc giày nhỏ” của chính người Nhật từng học bóng đá Việt Nam.