Chiến dịch đóng cửa Bangkok: Không hoãn bầu cử

Ngày 15-1, ngày thứ ba trong chiến dịch đóng cửa Bangkok, Trung tâm Quản lý hòa bình và trật tự (phụ trách quản lý biểu tình) nhận định tình hình Bangkok vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Trong ngày, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã dẫn đoàn người biểu tình tuần hành trên tuyến đường dài 10,6 km. Trả lời báo chí, ông tố cáo chính phủ đứng sau hai vụ tấn công tối hôm trước.

Hai vụ tấn công gồm vụ ném bom tự tạo vào nhà riêng Chủ tịch đảng Dân chủ (đối lập) Abhisit Vejjajiva ở quận Watthana. Mái nhà bị hư hại, cửa kính bị vỡ nhưng không ai bị thương. Bốn nghi can bị bắt giữ nhưng sau đó được trả tự do vì không có bằng chứng.

Đoàn người đông đảo tuần hành đến Bộ Phát triển xã hội và an ninh con người ở Bangkok ngày 15-1. Ảnh: BANGKOK POST

Vụ thứ hai là vụ nổ súng bắn người biểu tình trên cầu Hua Chang làm hai người bị thương. Chưa kể bốn cảnh sát mật phải nhập viện vì bị người biểu tình đánh trong khi họ đang thu thập thông tin biểu tình ở Công viên Lumpini.

Sáng 15-1, Bộ trưởng Giáo dục Chaturon Chaisaeng đã phải lên xe tháo chạy vì bị người biểu tình rượt đuổi khi ông đến thăm một trường học ở quận Yannawa.

Người biểu tình cũng đã kéo đến bao vây nhà riêng Bộ trưởng Năng lượng Pongsak Raktapongpaisarn ở quận Huay Kwang. Họ mang theo quan tài có gắn tên bộ trưởng, thổi còi ầm ĩ trước nhà và đưa thư yêu cầu bộ trưởng từ chức và ngừng tăng giá khí đốt.

Cùng ngày 15-1, tại trụ sở không quân hoàng gia, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã chủ trì diễn đàn thảo luận về chủ đề hoãn bầu cử. 40 đảng phái tham gia. Đảng Dân chủ và Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân vắng mặt.

Đài truyền hình Thai PBS đưa tin tại diễn đàn, Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử Puchong Nutrawong nêu sáu lý do không thể tổ chức bầu cử vào ngày 2-2 tới. Lý do quan trọng nhất là Ủy ban Bầu cử cần 1,2 triệu nhân viên để giám sát bầu cử nhưng với tình hình căng thẳng hiện nay thì không thể tuyển đủ người. Dù vậy, đa số các đảng phái ủng hộ tổ chức bầu cử theo kế hoạch.

Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra tuyên bố bầu cử vẫn diễn ra vào ngày 2-2. Bà kêu gọi người dân hãy phản đối chính phủ thông qua phiếu bầu thay vì biểu tình.

Trong khi đó, người phát ngôn đảng Pheu Thai (cầm quyền) cho biết đảng sẽ đề nghị cảnh sát kiện Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra vì ông này đã hỗ trợ trang thiết bị như bao cát cho người biểu tình.

Đảng Pheu Thai cũng sẽ kiến nghị tòa án hiến pháp tuyên lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban và Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân vi phạm Điều 68 hiến pháp vì âm mưu lật đổ chế độ dân chủ.

Trả lời báo The Nation (Thái Lan) ngày 15-1, ông Watana Muang-sook, thành viên chủ chốt của đảng Pheu Thai (cầm quyền) và là trợ lý cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, cho rằng phe biểu tình không thể chiếm bảy giao lộ ở Bangkok trong thời gian dài.

Nếu chiến dịch đóng cửa Bangkok kéo dài thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến chính phủ tạm quyền mà chỉ gây phiền toái cho dân, lúc đó dân càng căm ghét Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân.

Theo ông, chiến dịch này sẽ thất bại vì hai lý do:

- Người dân không tham gia chiến dịch nữa khi chính phủ tạm quyền ban hành sắc lệnh thành lập ủy ban cải cách quốc gia theo đề xuất của 25 tổ chức tư nhân.

- Quân đội sẽ không đảo chính vì đã rút ra nhiều bài học từ cuộc đảo chính năm 2006. Hơn nữa, phe biểu tình áo đỏ sẵn sàng chống lại bất kỳ cuộc đảo chính nào.

LÊ LINH

Ngày 15-1, Phó Giám đốc cảnh sát Worapong Chewprecha thông báo cảnh sát đã thắt chặt an ninh tại tư dinh Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra sau khi lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban dọa sẽ bắt giữ bà. Cảnh sát cũng được tăng cường ở Sở Giao dịch chứng khoán. Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Surapong Tovichakchaikul thông báo ông đã ra lệnh cảnh sát bắt giữ các lãnh đạo biểu tình, trong đó có ông Suthep Thaugsuban.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm