Và hàng loạt những cân đong, đo đếm lẫn lý giải trên bàn cân giữa công lao của chân chuyền Xuân Trường và sự nhạy bén của Công Vinh.
Người thì lấy ý kiến của HLV Gerd Zeise nói rằng “Công Vinh là cầu thủ mà không ai cản nổi” để xác định đấy là cầu thủ quan trọng nhất. Ý kiến khác lại bàn sâu về hai đường chuyền của Xuân Trường (một cho Văn Quyết mở tỉ số và một cho Trọng Hoàng thoát biên chuyền để Công Vinh ghi bàn) và xác định đấy mới là cầu thủ xuất sắc nhất.
Thực tế thì chiến thắng trước Myanmar là chiến thắng của cả một tập thể với tinh thần thi đấu cao nhiều hơn là sự vượt trội mang tính quyết định của từng cá nhân. Bên cạnh đó để thực thi khát vọng vô địch cần phải tạm quên đi việc đề cao hay những nhận xét cảm tính mang tính cá nhân, vì điều đấy sẽ rất dễ làm tổn thương những vị trí phải hy sinh rất nhiều cho thành công chung của một tập thể. Đã có ai đặt ra vai trò và vị trí của Hoàng Thịnh trong việc giành giật từng khoảng không gian lẫn thời gian để Xuân Trường có khoảng trống, có thời gian nhận bóng và chuyền bóng. Hay việc di chuyển lẫn mở tốc độ của Văn Toàn thường xuyên hút theo những cái bóng áo đỏ để Văn Quyết lẻn xuống nhận bóng. Cũng có ai nhìn nhận việc thường xuyên dâng cao của Đình Đồng và Văn Thanh nhằm chiếm lĩnh vị trí để những Công Vinh di chuyển vào trong tìm banh ăn...
Giá trị của một chiến thắng có dấu ấn cá nhân nhưng cũng đừng vì đề cao các cá nhân quá mà làm buồn lòng những đôi chân mỏi lăn xả với một tinh thần cao để đáp ứng đúng với yêu cầu của ban huấn luyện, thậm chí là phải làm “chim mồi”.
Xuân Trường xuất sắc hay Công Vinh là số một không quan trọng bằng lối chơi và sự hy sinh của nhiều cá nhân vì lối chơi tập thể. Điều mà hơn ai hết HLV Hữu Thắng muốn đề cao các học trò thay vì phải khen ngợi hay nghe khen một cá nhân nào.