Ngày 28-9, Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội UBTVQH đã được khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Ngay sau phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã chủ trì phiên họp (buổi sáng) cho ý kiến lần cuối về hai Dự Luật Viễn thông và Tần số Vô tuyến điện (TSVTĐ) và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp (buổi chiều) cho ý kiến về hai Dự Luật Người cao tuổi và Khám bệnh, chữa bệnh, chuẩn bị để thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Chỉ có một đầu mối thanh tra tại Bộ
Dự Luật Viễn thông sau khi chỉnh sửa, trình xin ý kiến UBTVQH gồm 10 chương, 63 điều; gộp một số điều, bỏ 1 điều và bổ sung 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Các thành viên UBTVQH đã cơ bản thống nhất ý kiến với kết quả báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Viễn thông và tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn chưa thống nhất, đặc biệt là nội dung quy định về thanh tra chuyên ngành viễn thông.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, cần nghiên cứu xem xét lại điều 11 quy định về thanh tra chuyên ngành viễn thông để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, đảm bảo các quy định của Luật Viễn thông phù hợp với Luật Thanh tra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đều đồng ý và cho rằng quy định về thanh tra vẫn có nhiều điểm chưa thống nhất với Luật Thanh tra, đồng thời thống nhất quan điểm là chỉ có một cơ quan thanh tra cấp bộ duy nhất và thanh tra chuyên ngành chỉ là một chức năng, không phải một bộ máy chuyên biệt.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, quan điểm nhất quán từ trước đến nay là cơ quan bộ chỉ có một đầu mối về thanh tra, thực hiện cả chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trên thực tế thực hành pháp luật, cơ quan lập pháp cũng cần tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra chuyên ngành đạt hiệu quả, chất lượng tốt nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, sửa đổi các điều luật quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực viễn thông; quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông và chuẩn bị dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật để trình Quốc hội theo đúng các quy định của pháp luật về quy trình soạn thảo văn bản pháp luật.
Bỏ điều luật quy định về Ủy ban TSVTĐ
Dự thảo Luật TSVTĐ trình xin ý kiến UBTVQH có 8 chương, 50 điều; đã được bổ sung 3 điều, bỏ 1 điều và chỉnh sửa 45 điều so với Dự Luật trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XII.
Dự Luật TSVTĐ và Dự Luật Viễn thông là hai bộ luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong hai lĩnh vực có mối quan hệ liên quan, nên có kết cấu và cách thể hiện tương đối giống nhau. Chính vì vậy, ý kiến của các thành viên UBTVQH cũng khá tương đồng khi nhất trí cơ bản về Dự thảo Luật TSVTĐ và bày tỏ những ý kiến chưa nhất trí có nội dung tương tự như đối với Dự thảo Luật Viễn thông.
Sau khi nghe giải trình của cơ quan soạn thảo, tổng hợp ý kiến của các thành viên Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, nhất trí yêu cầu loại bỏ điều 8 quy định về Ủy ban TSVTĐ ra khỏi Dự Luật; thống nhất và rút gọn điều 10 (những hành vi bị nghiêm cấm) và điều 13 (thu hồi quyền sử dụng TSVTĐ để thực hiện quy hoạch); những điều luật quy định về thanh tra chuyên ngành, chính sách của Nhà nước đối với TSVTĐ cần được nghiên cứu lại và thống nhất như Luật Viễn thông.
Theo Lương Thế (ICTnews)