Gần ba năm qua, hơn 800.000 lượt học sinh THCS và cả tiểu học đã được động viên tham gia vào cuộc thi trực tuyến “Chinh phục vũ môn” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương và Công ty Egroup tổ chức. Phụ huynh yên tâm rằng con mình đang học theo chương trình của nhà trường mà nhà trường thì được văn bản của cấp quản lý hẳn hoi. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi một số phụ huynh lên tiếng rằng con họ lao vào game online từ cuộc thi, có cả việc phải cào thẻ với mệnh giá từ 10.000 đến 300.000 đồng, nạp tiền để mua đồ trong game.
Liên kết có chủ ý?
Hình thức thu tiền và số tiền không phải là điều bức xúc lớn nhất của phụ huynh mà là những tác hại về lâu về dài mà game có thể để lại trong đầu óc của những đứa trẻ còn quá non nớt. Thật ra phải minh định rõ định kiến với game online là một sai lầm, vì có những game rất sạch sẽ, bổ ích chứ không phải game nào cũng nặng hướng bạo lực, tình dục hay cờ bạc. Tuy nhiên, khi cả xã hội tìm cách tiết chế việc trẻ ngồi máy chơi game quá lâu thì sự trá hình của “Chinh phục vũ môn” đã qua mặt được các nhà quản lý, lọt vào trường học ngoạn mục. Ngay cả khi đại diện Công ty Egroup trả lời báo chí rằng phụ huynh và dư luận có sự nhầm lẫn giữa hai trang web (thi kiến thức và chơi game) thì việc làm hai trang liên kết với nhau, đặc biệt trang web thi cũng có phần “mời gọi” học sinh đến với game là điều không nên làm. Đã có ý kiến đặt vấn đề rằng liệu cách làm dễ gây nhầm lẫn này có chủ ý hay không.
Tiến vào trường học là một chiến lược kinh doanh được nhiều công ty lựa chọn, bằng nhiều con đường, từ quảng cáo, tặng sản phẩm, khuyến mãi, quảng bá thương hiệu… Đây là điều tất yếu của kinh tế thị trường. Nhưng việc vào trường để đặt một ghế đá hay dán một sticker có tên thương hiệu lên bảng con của lớp xét ra dễ chấp nhận hơn việc biến các học trò thành những tín đồ của game một cách vô ý thức trong khi các em chưa đủ khả năng tự vệ. Xung quanh những câu hỏi, những bài học của game “Chinh phục vũ môn” là những liên kết, cấu phần như diễn đàn chat, như mua sắm online… một môi trường đậm tính chất game, cha mẹ nào, thầy cô nào có thể quản nổi?
Khá đông đảo học sinh đã đăng ký thi “Chinh phục vũ môn”. (Ảnh chụp từ web chinhphucvumon.vn)
Trang web mời chơi game. (Ảnh chụp từ web cpvm.vn)
Vào trường học thì phải rạch ròi!
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết sẽ chỉ đạo quyết liệt với quan điểm không cho phép làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến học sinh. Nhưng đối với 800.000 học sinh đã tham gia game này, khó đo lường chuyện em nào trót mê game. Thực tế cho thấy nhiều đứa trẻ đã từ game mà học hành sa sút, thậm chí bỏ học. Lại nữa, con đường từ game này sang game khác chỉ ngắn ngủi nửa giây, chỉ cần một thao tác mở thêm trang mới là xong, các quy tắc của game, đường đi lối lại, tư duy game thủ… đều đã được “vỡ lòng”, khai phá trước cả rồi, việc gì mà không thử... Chẳng biết các cơ quan đầu não về giáo dục, về rèn luyện-định hướng lý tưởng sống của lớp trẻ có nhìn thấy và tán thành chiến lược “game thủ” này không?
Với định dạng game online liên kết với cuộc thi, sự tấn công của các phương tiện kỹ thuật số và công nghệ thông tin đã tinh vi hơn: Chế ra nội dung chạy trên phần cứng là các máy tính do gia đình tự trang bị, chế ra những thứ khiến con trẻ và cha mẹ phải trả giá nhiều lần và mãi mãi, bằng tiền, bằng trí não của trẻ. Những tác hại của nó không hiện diện trước mắt người ta mà được “mềm hóa”, vô hình, gắn với các màu sắc giáo dục. Nếu không tỉnh táo, rất có thể vài ba cuộc thi trực tuyến khác cũng sẽ xin được giấy phép vào trường. Mải miết với những trò thi thố trên máy tính, trên mạng sẽ có lúc chúng ta chứng kiến những thế hệ trẻ con của mình quay mặt lại với cuộc sống thực này.
Có những biện minh rằng cuộc thi “Chinh phục vũ môn” rất thành công, nhiều em đã từ đây tích lũy kiến thức và rằng game cài vào cũng là trò bổ ích, “Nếu học sinh có vào nhầm (web) thì cũng được học kiến thức bổ ích, không độc hại... Nhu cầu giải trí online của học sinh là có thật, tại sao không cho các em chơi trong phạm vi kiểm soát được thay vì cấm đoán...”. Những lý giải này thoạt nghe ra có lý nhưng thật ra không sòng phẳng. Giá trị cuộc thi là có, game là game tử tế, không ai phủ nhận nhưng một sản phẩm giáo dục đòi hỏi phải rạch ròi không thương mại hóa, không nhập nhằng kiến thức và giải trí. Đó mới là ngay ngắn với trẻ con!
Tạm dừng cuộc thi Ban tổ chức cuộc thi “Chinh phục vũ môn” vừa có quyết định tạm dừng cuộc thi từ 17 giờ ngày 10-12. Ông Nguyễn Phú Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết để nâng cao chất lượng cuộc thi, ban tổ chức cũng tiếp nhận tất cả ý kiến đóng góp trên website của cuộc thi http://chinhphucvumon.vn. |